VN

Trẻ Em Bị Hôi Miệng Phải Làm Sao? Nguyên Nhân Là Gì?

NỘI DUNG BÀI VIẾT

1. Nguyên nhân khiến trẻ bị hôi miệng
2. Trẻ bị hôi miệng phải làm sao?
3. Khi nào cần đưa trẻ đến nha khoa?

Hôi miệng là tình trạng thường gặp không chỉ ở người lớn mà đối với trẻ em thì nguy cơ này còn cao hơn. Nguyên nhân chính của hôi miệng là vệ sinh răng miệng chưa đúng cách nên cha mẹ hoàn toàn có thể khắc phục tình trạng này tại nhà nhưng hôi miệng trên thực tế cũng có thể là biểu hiện bất thường liên quan trực tiếp đến sức khỏe của trẻ. Do đó, nếu trẻ bị hôi miệng kéo dài khi đã thực hiện các phương pháp vệ sinh, cha mẹ vẫn nên đưa trẻ đến nha khoa để được khắc phục kịp thời.

1. Nguyên nhân khiến trẻ bị hôi miệng

Trẻ bị hôi miệng là tình trạng miệng của trẻ có mùi hôi, người xung quanh sẽ dễ dàng nhận biết được mùi khó chịu này khi trẻ thở ra bằng miệng hoặc khi nói, cười. Hôi miệng ở trẻ có thể là do những nguyên nhân sau đây:

1.1. Khô miệng

Nước bọt có vai trò làm sạch và làm ẩm khoang miệng nhằm hỗ trợ ngăn chặn sự tấn công của vi khuẩn gây hại. Do đó, khô miệng chính là nguyên nhân thường gặp nhất khiến hơi thở của trẻ có mùi khó chịu. 

Khô miệng là hậu quả của việc trẻ thường xuyên thở bằng miệng do bị nghẹt mũi, do ngáy khi ngủ hoặc trẻ có thói quen mút ngón tay, ngậm đồ chơi,... Lúc này không khí lưu thông nhiều nên sẽ dẫn đến khô miệng, từ đó tạo môi trường thuận lợi để vi khuẩn tồn tại và phát triển gây hôi miệng.

Để hạn chế tình trạng này, cần chú ý tập cho trẻ thói quen thở bằng mũi hoàn toàn, không để trẻ mút tay thường xuyên và cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày.

Trẻ bị khô miệng

1.2. Vệ sinh răng miệng không đúng cách

Vệ sinh răng miệng không đúng cách ở trẻ em hay người lớn thì đều là nguyên nhân chủ yếu gây hôi miệng. Điều này khiến thức ăn thừa đọng lại ở các kẽ răng, nướu hoặc trên bề mặt răng không được làm sạch tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và sinh ra mùi hôi khó chịu.

Vệ sinh răng miệng có ý nghĩa rất quan trọng để hạn chế mùi hôi ở miệng, thậm chí đối với trẻ chưa mọc răng. Trẻ nên được đánh răng ngay khi xuất hiện chiếc răng sữa đầu tiên và nên được hướng dẫn tự đánh răng khi đủ lớn.

Trẻ bị hôi miệng do chải răng không đúng cách

1.3. Do bệnh răng miệng

Đôi khi tình trạng trẻ bị hôi miệng là do một số các bệnh lý răng miệng khác gây ra như viêm nướu, sâu răng, áp xe răng,... Do đó, cha mẹ hãy chú ý thường xuyên kiểm tra sức khoẻ răng miệng ở trẻ và đưa trẻ đến nha khoa khi có dấu hiệu bất thường.

1.4. Dị vật ở mũi

Hôi miệng ở trẻ có thể là hậu quả của việc dị vật bị tắc trong đường mũi. Trên thực tế, trẻ con luôn tò mì và lỗ mũi của chúng vì có kích thước phù hợp để những đồ vật nho nhỏ như hạt cườm, hạt đỗ, phụ kiện, đồ chơi,... dễ dàng bị tắc lại trong đường mũi. Điều này có thể gây tổn thương đến niêm mạc mũi, gây viêm nhiễm khiến hơi thở của trẻ có mùi khó chịu.

Trẻ bị hôi miệng do dị vật ở mũi 

1.5. Hút thuốc lá thụ động

Việc cha mẹ hoặc những người xung quanh thường xuyên hút thuốc lá khi tiếp xúc gần trẻ khiến trẻ vô tình hít phải khói thuốc. Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến hơi thở cũng như sức khoẻ răng miệng, sức khỏe toàn thân của trẻ về sau.

Trẻ bị hôi miệng do khói thuốc lá 

1.6. Do chế độ ăn uống

Hơi thở của bé có mùi khó chịu cũng có thể là do một số thực phẩm tạo mùi mà trẻ ăn hoặc uống. Các loại thực phẩm giàu protein như thịt đỏ, cá, phô mai,... sẽ bị thuỷ phân trong khoang miệng và giải phóng ra một số chất trong đó có sunphua khiến miệng trẻ có mùi hôi. Chế độ ăn ít carbohydrate cũng có thể là nguyên nhân gây hôi miệng ở trẻ.

1.7. Bệnh lý khác

Nhiều bệnh lý về đường hô hấp cũng có thể ảnh hưởng đến hơi thở của trẻ như viêm xoang, trào ngược dạ dày, dị ứng theo mùa, viêm amidan, viêm nướu hay tiểu đường. Với các bệnh lý này, cần điều trị kiểm soát bệnh tốt mới có thể cải thiện mùi hôi của hơi thở. 

2. Trẻ bị hôi miệng phải làm sao?

Để khắc phục tình trạng hôi miệng ở trẻ, việc đầu tiên phụ huynh cần quan tâm chính là vấn đề chăm sóc răng miệng. Bên cạnh đó, việc uống đủ nước, hạn chế thở bằng miệng cũng sẽ giảm sự phát triển của vi khuẩn gây mùi hôi.

Trẻ bị hôi miệng phải làm sao 

Cha mẹ có thể áp dụng một số biện pháp dưới đây để khắc phục hôi miệng ở trẻ:

- Tạo cho trẻ thói quen đánh răng thường xuyên và đúng cách sau mỗi bữa ăn bằng cách lựa chọn bàn chải và kem đánh răng mà trẻ yêu thích.

- Cho trẻ uống nhiều nước, tập thói quen uống nước thường xuyên để tránh tình trạng khô miệng cũng như giảm tiết nước bọt.

- Vệ sinh lưỡi cho trẻ, nhất là trẻ sơ sinh, bằng dụng cụ chuyên dụng tránh làm tổn thương đến các mô mềm trong khoang miệng.

- Dùng chỉ nha khoa để loại bỏ cặn thức ăn thừa dính ở kẽ răng của trẻ do bàn chải không làm sạch hoàn toàn.

- Khử trùng, làm sạch núm vú giả thường xuyên khi trẻ sử dụng.

3. Khi nào cần đưa trẻ đến nha khoa?

Trên thực tế, cha mẹ nên đưa trẻ thăm khám nha khoa định kỳ ít nhất 6 tháng một lần để được kiểm tra và chăm sóc sức khỏe răng miệng thường xuyên. Với tình trạng hôi miệng ở trẻ, nếu các biện pháp vệ sinh răng miệng không cải thiện được thì cha mẹ cũng nên đưa trẻ đến nha khoa uy tín để được thăm khám.

Bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân cụ thể của tình trạng hôi miệng, có thể do bệnh lý răng miệng hoặc các vấn đề liên quan đến hô hấp, dạ dày,... Lúc này, cần thực hiện điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ thì mới giải quyết triệt để được vấn đề hôi miệng. Hơi thở có mùi gây ảnh hưởng rất lớn đến tự tin khi giao tiếp và sinh hoạt của trẻ nên cha mẹ cần chú ý quan tâm và giúp đỡ trẻ hồi phục nhanh chóng.

Khi nào cần đưa trẻ đến nha khoa? 

Vậy trẻ bị hôi miệng chủ yếu là do vệ sinh răng miệng không thường xuyên và đúng cách khiến vi khuẩn sinh sôi và phát triển dần dần gây mùi hôi khó chịu cho hơi thở. Trường hợp nếu không thể khắc phục tại nhà bằng các biện pháp vệ sinh răng miệng thông thường, cha mẹ nên đưa trẻ đến nha khoa để được thăm khám tìm ra nguyên nhân chính xác gây hôi miệng ở trẻ.