VN

Răng Lung Lay Có Giữ Được Không? Nguyên Nhân Lung Lay

NỘI DUNG BÀI VIẾT
1. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng răng lung lay
2. Răng lung lay có giữ được không?
3. Chăm sóc răng miệng để phòng tránh răng lung lay

Răng lung lay là tình trạng phổ biến xuất hiện ở cả trẻ em lẫn người lớn. Trường hợp trẻ em bị lung lay răng ở giai đoạn thay răng thì là hoàn toàn bình thường và không có gì phải lo lắng. Nhưng nếu người lớn có răng lung lay thì cần được thăm khám và khắc phục ngay lập tức để ngăn chặn những biến chứng nghiêm trọng hơn. Hãy cùng Nha khoa Quốc tế BIK tìm hiểu liệu răng lung lay có giữ được không trong bài viết sau nhé!

1. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng răng lung lay

Đối với trẻ em thì việc răng lung lay trong giai đoạn thay răng từ 6-12 tuổi là hoàn toàn bình thường và không làm ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng. Tuy nhiên, ở người trưởng thành thì có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến răng lung lay và không còn chắc khoẻ như trước:

1.1. Viêm nha chu

Viêm nha chu là tình trạng nướu răng bị viêm nhiễm khiến nướu không còn đủ chắc khoẻ để giữ vững chân răng trên cung hàm làm cho răng bị lung lay. Viêm nha chu xảy ra thường là do người bệnh có thói quen vệ sinh răng miệng không đúng cách khiến cao răng hình thành dày đặc, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh.

Khi bị viêm nha chu, phần nướu răng từ màu hồng nhạt khỏe mạnh sẽ chuyển thành màu đỏ sậm kèm theo biểu hiện sưng đỏ. Ngoài ra, một biểu hiện khá phổ biến thường gặp của viêm nha chu là chảy máu khi đánh răng.

Viêm nha chu khiến răng lung lay

1.2. Phụ nữ đang mang thai

Người phụ nữ bị thay đổi nội tiết tố khá nhiều trong giai đoạn mang thai, đặc biệt hormone progesterone và estrogen sẽ tăng cao hơn mức bình thường. Đây là nguyên nhân khiến nướu răng bị ảnh hưởng, dễ dàng bị viêm nhiễm dẫn đến răng lung lay. Tuy nhiên, nếu răng lung lay do nguyên nhân này thì khách hàng cũng không cần quá lo lắng.

Răng lung lay trong giai đoạn mang thai

1.3. Loãng xương

Loãng xương là trường hợp thiếu canxi khiến xương bị suy yếu và trở nên giòn xương. Ngay cả những va chạm nhỏ trong sinh hoạt hằng ngày cũng có thể khiến xương bị gãy. Loãng xương ảnh hưởng đến toàn bộ xương trên cơ thể cao gồm cả xương hàm. Tình trạng xương hàm không chắc chắn, suy yếu khiến răng không được cố định và trở nên lung lay.

1.4. Lão hoá

Đây là tình trạng không thể tránh khỏi của tất cả mọi người khi về già. Lúc này, các bộ phận của cơ thể sẽ bị lão hoá dần và xương ổ răng cũng không ngoại lệ. Đến một lúc nào đó chúng sẽ không còn đủ sức để giữ chắc răng nữa, khiến răng dần bị lung lay.

Răng lung lay do lão hoá

1.5. Tác động bên ngoài

Nhiều người vẫn giữ thói quen sử dụng răng như một số dụng cụ hỗ trợ cho những việc như mở nắp chai nước, xé băng dính,... hay có thói quen xấu như nghiến răng khi ngủ lâu dần sẽ khiến răng bị lung lay.

Trong trường hợp răng bị tác động mạng bởi môi trường bên ngoài như gặp tai nạn, bị ngã, vị va đập,... thì các tổ chức quanh răng như dây chằng nha chu sẽ bị tổn thương và không còn giữ răng vững chắc được nữa.

2. Răng lung lay có giữ được không?

Răng lung lay có giữ được không phụ thuộc nhiều vào nguyên nhân gây ra tình trạng này:

2.1. Trường hợp răng lung lay do lão hoá

Với trường hợp răng lung lay do lão hoá thì rất khó để điều trị và gần như không có cách nào để giúp răng chắc khỏe trở lại như trước. Phương án tốt nhất là người bệnh nên có chế độ ăn uống, vệ sinh răng miệng phù hợp để tuổi thọ của răng được duy trì lâu hơn.

2.2. Trường hợp bà bầu bị răng lung lay

Trường hợp răng của bà bầu bị lung lay thì không cần quá lo lắng vì tình trạng này là do thay đổi sinh lý, nội tiết tố trong cơ thể. Khi sinh con xong, cơ thể ổn định trở lại thì răng sẽ không còn bị lung lay nữa.

Tuy nhiên, mẹ bầu cũng không nên vì vậy mà chủ quan mà nên thăm khám nha khoa để tìm rõ nguyên nhân bị lung lay răng. Nếu hiện tượng này là do bệnh lý răng miệng gây nên thì vẫn cần được điều trị sớm để tránh tình trạng sinh non, hay sinh con nhẹ ký về sau.

2.3. Trường hợp răng lung lay do các bệnh lý răng miệng

Trường hợp răng bị lung lay do bệnh lý răng miệng gây ra, đặc biệt là bệnh nha chu thì trước hết người bệnh cần được loại bỏ hoàn toàn bằng phương pháp lấy cao răng. Nếu chỉ bị viêm nhẹ, khách hàng có thể điều trị tại nhà bằng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. Đồng thời thực hiện vệ sinh răng miệng đúng cách để đạt được hiệu quả tối đa..

Đối với trường hợp nặng hơn, bác sĩ có thể chỉ định phương án phẫu thuật để loại bỏ phần mô nướu bị viêm hay phần xương bị hỏng. Sau đó mới tiến hành ghép mô nướu để giảm thiểu nguy cơ mất răng.

Cạo vôi răng hỗ trợ răng lung lay

2.4. Trường hợp răng lung lay do lực bên ngoài tác động

Trường hợp răng bị lung lay do lực bên ngoài tác động thì nếu răng chưa bị vỡ có thể sử dụng biện pháp nẹp, cố định lại răng. Theo thời gian thì răng sẽ trở nên chắc chắn trở lại. 

3. Chăm sóc răng miệng để phòng tránh răng lung lay

Để hạn chế tình trạng răng bị lung lay, khách hàng nên lưu ý một số điều như sau:

- Đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày đặc biệt là sau mỗi bữa ăn để loại bỏ mảng bám thức ăn.

- Sử dụng bàn chải lông mềm với lực chải vừa phải tránh làm nướu răng bị tổn thương.

- Dùng kem đánh răng chứa flour hỗ trợ răng chắc khỏe.

- Thay thế tăm bằng chỉ nha khoa để loại bỏ vụn thức ăn có trong kẽ răng, tránh để nướu răng bị tổn thương.

- Duy trì chế độ ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết hỗ trợ tăng đề kháng giúp cơ thể chống lại các loại vi khuẩn gây hại.

- Tránh sử dụng răng để mở nắp chai nước, cắn đồ vật,...

- Hạn chế sử dụng các thực phẩm quá dai, quá cứng cần dùng lực cắn, xé quá mạnh.

- Thăm khám nha khoa định kỳ ít nhất 2 lần mỗi năm để đảm bảo sức khỏe răng miệng được kiểm tra thường xuyên.

Vậy với thông tin mà Nha khoa Quốc tế BIK đã tổng hợp phía trên, hy vọng khách hàng đã biết được răng lung lay có giữ được không. Nhìn chung, hầu hết các trường hợp thì bác sĩ sẽ cố gắng thực hiện các biện pháp khác để giữ lại răng lung lay vì nguyên tắc đầu tiên trong điều trị nha khoa là phải ưu tiên bảo tồn tối đa răng thật.