VN

Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Biến Chứng Của Bệnh Sâu Răng

NỘI DUNG BÀI VIẾT:

1. Sâu răng là gì?
2. Nguyên nhân gây ra bệnh sâu răng
3. Dấu hiệu sâu răng
4. Các biến chứng nguy hiểm của sâu răng
5. Cách ngăn ngừa sâu răng

Sâu răng được cho là một trong những bệnh lý phổ biến nhất hiện nay có thể xảy ra ở cả người lớn lẫn trẻ em. Nguyên nhân chính dẫn đến sâu răng là do cách chăm sóc răng miệng chưa đúng khiến cho vi khuẩn có điều kiện thuận lợi để tấn công vào men răng. Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây để tìm hiểu kỹ hơn nguyên nhân cũng như các dấu hiệu sâu răng.

1. Sâu răng là gì?

Sâu răng là tình trạng răng bị mất phần mô cứng do quá trình hủy khoáng bởi các vi khuẩn có hại trên mảng bám răng, từ đó hình thành các lỗ nhỏ li ti trên răng. Bệnh lý này xảy ra do nhiều yếu tố, bao gồm vi khuẩn có hại trong khoang miệng, thói quen ăn vặt thường xuyên, sử dụng các thực phẩm, thức uống chứa nhiều đường và vệ sinh răng miệng chưa kỹ càng.

Sâu răng được các chuyên gia đánh giá là bệnh lý về răng miệng phổ biến nhất hiện nay, đặc biệt dễ dàng xảy ra ở trẻ em và người cao tuổi. Nhưng bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh lý này, kể cả trẻ sơ sinh. Tuy là một bệnh lý thường gặp nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm,  nếu không được điều trị kịp thời thì tình trạng sâu sẽ ngày càng nặng hơn và làm ảnh hưởng đến tủy răng. Từ đó, gây ra các triệu chứng như đau răng, nhiễm trùng hay nguy hiểm hơn là có thể bị mất răng vĩnh viễn.

Những điều cần biết về sâu răng

2. Nguyên nhân gây ra bệnh sâu răng

Hai nguyên nhân chính gây ra sâu răng là từ vi khuẩn có hại trong khoang miệng và các mảng bám, thức ăn mắc lại trong kẽ răng. Thực tế, sự hiện diện của các loại vi khuẩn trong khoang miệng là bình thường, trong đó, Streptococcus mutans, Lactobacillus và các loài Actinomyces sẽ được tiết ra axit trong quá trình phân giải đường ở các thức ăn sót lại. Những loại axit này có thể ăn mòn lớp men phủ bên ngoài của răng và từ đó tạo ra lỗ sâu.

Thói quen vệ sinh răng miệng chưa đúng cách

Một số nguyên nhân phổ biến gây ra sâu răng như:

- Thói quen ăn vặt thường xuyên: Một số người bệnh có thói quen ăn các loại bánh kẹo, bánh quy, socola hay nước ngọt có gas - những loại thực phẩm có hàm lượng đường rất cao, sẽ tạo môi trường cho các vi khuẩn tấn công mạnh hơn.

- Sử dụng nhiều thực phẩm có tính axit cao: Các loại thực phẩm như chanh, dấm, nước trái cây khi được tiêu thụ nhiều sẽ khiến cho men răng bị mòn dần.

- Thói quen vệ sinh răng miệng chưa đúng cách: Chưa thực hiện đánh răng ít nhất 2 lần/ ngày hoặc đánh răng chưa kỹ, sử dụng các loại bàn chải còn thô, cứng chưa phù hợp với răng.

- Khoang miệng bị khô: Nếu như lượng nước bọt được tiết ra trong khoang miệng quá ít cũng sẽ gây ra khó khăn trong quá trình loại bỏ mẩu vụn thức ăn còn sót lại.

- Tụt nướu: Hiện tượng tụt nướu sẽ dễ dàng xảy ra do quá trình lão hoá của các cơ quan trong cơ thể. Các mảng bám trên chân răng sẽ được hình thành nếu nướu bị tụt khỏi hàm, từ đây khiến cho vi khuẩn ngày càng tấn công đến chân răng nhiều hơn.

- Thiếu flour: Nếu răng bị thiếu hụt nguyên tố vi lượng flour thì sẽ khiến cho sức khỏe răng miệng của bạn suy giảm đáng kể và dễ dàng bị tổn thương trước các tác động của vi khuẩn.

- Mắc một số bệnh lý khác: Nếu như bệnh nhân bị chứng trào ngược dạ dày thực quản, axit dạ dày cũng có thể tiếp xúc với răng khiến răng bị ăn mòn, lâu dần có thể dẫn đến sâu răng.

3. Dấu hiệu sâu răng

Sau đây là một số dấu hiệu thường gặp nhất của sâu răng:

3.1. Răng trở nên nhạy cảm

Khi bệnh nhân ăn uống các loại thực phẩm, đồ uống quá nóng hoặc lạnh sẽ xuất hiện các cơn ê buốt. Đây là một trong những dấu hiệu điển hình cho thấy răng bắt đầu bị vi khuẩn tấn công và nếu không được điều trị kịp thời thì tình trạng sâu có thể tiến triển nặng hơn khiến răng bị suy yếu, lung lay.

Răng trở nên nhạy cảm

3.2. Xuất hiện các đốm đen trên bề mặt răng

Các đốm đen dần xuất hiện trên bề mặt răng là một trong những dấu hiệu dễ dàng quan sát bằng mắt thường nhất, nhưng một số người bệnh lại không chú ý đến dấu hiệu này. Khi mới bắt đầu, các đốm này chỉ có màu sậm hơn màu răng một chút, những theo thời gian các đốm đen bắt đầu lan rộng ra bề mặt răng và ngày càng sẫm màu hơn. Một số trường hợp khác sâu răng sẽ làm xuất hiện các đốm màu trắng hoặc vệt sáng màu trên răng.

3.3. Xuất hiện những lỗ sâu

Vi khuẩn có hại tấn công vào răng và hình thành các lỗ nhỏ trên răng hoặc tạo ra kẽ hở giữa hai bên răng, khiến cho các vụn thức ăn dễ bị mắc lại. Nếu các mảng bám này không được làm sạch sẽ tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi nhanh chóng.

Đây là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất của bệnh lý sâu răng nên ngay khi thấy xuất hiện các lỗ sâu bạn cần đến nha khoa để được điều trị sớm nhất.

Răng xuất hiện các lỗ sâu

3.4. Nướu bị sưng, chảy máu

Khi bị sâu răng, vi khuẩn có hại sinh sôi sẽ khiến cho phần mô nướu trở nên nhạy cảm hơn. Nếu có một lực tác động vào như khi bạn đánh răng hay dùng chỉ nha khoa thì nướu có thể sẽ bị chảy máu và nhiễm trùng. Khi hiện tượng này xảy ra có nghĩa là tình trạng sâu đã ở mức báo động và bạn cần phải được điều trị ngay nếu không muốn gặp các biến chứng nguy hiểm khác.

3.5. Hơi thở có mùi hôi khó chịu

Các mảnh vụn của thức ăn nếu không được làm sạch sẽ mắc vào các kẽ răng hoặc các lỗ sâu, tạo ra điều kiện thuận lợi để vi khuẩn có hại cư trú và phát triển tạo ra mùi hôi khó chịu trong hơi thở. Ngoài ra, vi khuẩn còn gây ra vị đắng trong khoang miệng khiến bạn có cảm giác ăn không ngon.

Hơi thở có mùi khó chịu

3.6. Đau buốt khi ăn

Khi ăn nhai thức ăn hoặc khi chải răng ở vị trí sâu, bạn sẽ cảm thấy các cơn đau buốt kéo đến. Lý do là vì vi khuẩn sâu răng tấn công khiến cho ngà răng bị bào mòn và ảnh hưởng đến dây thần kinh của răng, khiến răng bị đau nhức, ê buốt.

4. Các biến chứng nguy hiểm của sâu răng

Do mức độ phổ biến nên nhiều bậc phụ huynh còn chủ quan khi các bé bị sâu răng. Tuy nhiên, sâu răng có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng và lâu dài ngay cả khi trẻ chưa có răng vĩnh viễn. Các biến chứng có thể bao gồm:

- Sưng hoặc chảy mủ quanh răng

- Các cơn đau nhức răng

- Áp xe răng

- Răng bị mẻ, nứt, vỡ hoặc gãy

- Gặp khó khăn trong việc ăn nhai

Sâu răng dẫn đến áp xe răng

Và các biến chứng sẽ nghiêm trọng hơn khi răng sâu tiến triển nặng:

- Đau răng gây ra cản trở, khó khăn trong cuộc sống hàng ngày

- Có thể bị mất răng vĩnh viễn, ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ cũng như sự tự tin trong giao tiếp

- Việc khó khăn ăn uống có thể gây ra giảm cân, suy dinh dưỡng, suy nhược cơ thể

- Một số trường hợp hiếm gặp, bệnh nhân có thể bị áp xe răng gây ra tình trạng nhiễm trùng và nguy hiểm nhất là có thể bị đe dọa đến tính mạng.

5. Cách ngăn ngừa sâu răng

Để ngăn ngừa tình trạng sâu răng hiệu quả, bạn nên lưu ý một số điều sau đây:

5.1. Vệ sinh răng miệng đúng cách

- Duy trì thói quen đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày, đặc biệt là sau mỗi bữa ăn để loại bỏ hoàn toàn mảng bám trên bề mặt răng, tránh tình trạng cao răng hình thành dày đặc tạo điều kiện cho vi khuẩn gây sâu răng sinh sôi.

- Chú ý nên hay bàn chải đánh răng ít nhất 3 - 4 tháng một lần lần để tránh vi khuẩn tích tụ tấn công gây sâu răng.

- Lựa chọn loại kem đánh răng phù hợp, có thể cân nhắc một số loại kem đánh răng trị sâu răng.

- Kết hợp sử dụng chỉ nha khoa hoặc máy tăm nước để loại bỏ hoàn toàn vụn thức ăn sâu trong kẽ răng, nơi mà bàn chải không thể làm sạch.

Vệ sinh răng miệng đúng cách

5.2. Chế độ ăn uống hợp lý

Chế độ ăn uống hằng này cũng là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng. Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây sâu răng chính là các loại thực phẩm chứa nhiều đường và tinh bột. Lý do là vì các chất này rất dễ bị chuyển hoá thành cao răng khi tồn tại trong khoang miệng. Bên cạnh đó, bạn cũng nên hạn chế tối đa việc ăn đêm, 30 phút trước khi đi ngủ thì không nên ăn gì để tránh vi khuẩn sinh sôi trong lúc ngủ khi tuyến nước bọt không hoạt động.

Như vậy, sâu răng tuy là một trong những bệnh lý phổ biến nhất hiện nay nhưng bạn cũng đừng nên chủ quan. Nếu như nhận thấy có xuất hiện một số dấu hiệu sâu răng thường gặp như đau răng, ê buốt, sưng nướu, xuất hiện các lỗ sâu,... thì nên đến ngay các cơ sở nha khoa để được thăm khám kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải về sau.