VN

Đánh Răng Bị Chảy Máu Phải Làm Sao? Có Nguy Hiểm Không?

NỘI DUNG BÀI VIẾT:

1. Vì sao thường xuyên bị chảy máu khi đánh răng?
2. Hay bị chảy máu khi đánh răng có nguy hiểm không?
3. Khắc phục tình trạng chảy máu khi đánh răng như thế nào?
4. Phòng ngừa chảy máu khi đánh răng như thế nào?

Đánh răng bị chảy máu là tình trạng không hiếm gặp có thể là do viêm nhiễm nướu răng gây ra hoặc chỉ đơn giản là do lông bàn chải quá cứng làm nướu bị tổn thương. Do đó, nếu tình trạng này thường xuyên diễn ra thì có thể đây là dấu hiệu của những vấn đề răng miệng nguy hiểm khác, bạn cần đến nha khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.

1. Vì sao thường xuyên bị chảy máu khi đánh răng?

Thường xuyên bị chảy máu chân răng khi đánh răng có thể là do các nguyên nhân sau:

1.1. Viêm lợi

Đa số các trường hợp bị viêm lợi là do mảng bám cao răng tồn tại trên đường viền nướu trong thời gian dài. Các mảng bám này thực chất là vụn thức ăn bị vôi hoá sau một thời gian dài không được loại bỏ khỏi khoang miệng. Cao răng tích tụ dày đặc làm tăng nguy cơ chảy máu khi đánh răng vì nướu bị vi khuẩn tấn công và trở nên nhạy cảm hơn.

Đánh răng thường xuyên, đặc biệt là sau mỗi bữa ăn là cách nhanh chóng và hiệu quả nhất để làm sạch các mảng bám và ngăn ngừa các bệnh lý răng miệng.

Chảy máu khi đánh răng do viêm lợi

1.2. Viêm nha chu

Viêm nha chu là chuyển biến nặng hơn của viêm lợi khi không được điều trị kịp thời. Lúc này, nướu vốn nhạy cảm trở nên bị viêm nhiễm, xương hàm và các mô nâng đỡ liên kết răng và nướu cũng bị tấn công trở nên yếu dần đi. Viêm nha chu nếu không được điều trị thậm chí có thể khiến răng bị lung lay và dẫn đến tình trạng chảy máu chân răng khi đánh răng vào buổi sáng.

Viêm nha chu gây ra chảy máu khi đánh răng

1.3. Áp xe răng

Áp xe răng là tình trạng nhiễm trùng mà vi khuẩn xâm nhập và tấn công vào sâu bên trong răng. Khi bị áp xe răng, bạn sẽ cảm thấy đau nhức liên tục, đánh răng hay bị chảy máu, sốt và sưng mặt, Nếu chuyển sang giai đoạn sưng vùng mặt thì bệnh đã phát triển khá nặng.

Áp xe răng dẫn đến chảy máu khi đánh răng

1.4. Do các bệnh lý về răng

Một số bệnh lý về răng mà răng trở nên nhạy cảm, dễ tổn thương cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến đánh răng bị chảy máu. Trường hợp răng bị sâu, nhất là sâu ở những vị trí kẽ răng thì thức ăn sẽ đọng lại ở lỗ sâu gây viêm lợi ở kẽ răng kèm theo những ổ nhiễm trùng nặng khiến việc vệ sinh răng miệng gặp nhiều khó khăn.

1.5. Thay đổi nội tiết tố

Nướu lợi và sức khoẻ răng miệng nói chung thường trở nên nhạy cảm hơn khi nội tiết trong cơ thể bị rối loạn, hay đơn giản hơn là môi trường sinh hoá trong cơ thể bị thay đổi thất thường. Tình trạng này thường xảy ra ở phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú khi các hoocmon thay đổi thất thường và có thể là nguyên nhân khiến đánh răng bị chảy máu.

1.6. Chế độ ăn thiếu dinh dưỡng

Một số thành phần trong chế độ ăn hằng ngày có thể khiến nướu bị kích ứng và gây ra hiện tượng thường xuyên đánh răng bị chảy máu. Do đó, bạn cần cân nhắc thay thế những thực phẩm lành mạnh hơn phù hợp với cơ địa của bản thân. Nguyên nhân gây chảy máu khi đánh răng có thể là do thiếu hụt vitamin C hoặc vitamin K.

Chế độ ăn thiếu dinh dưỡng gây chảy máu răng

1.7. Sử dụng một số thuốc điều trị

Dùng thuốc điều trị một số bệnh khác cũng có thể là nguyên nhân gây chảy máu khi đánh răng. Cụ thể một số thuốc điều trị bệnh mãn tính như tim mạch, đột quỵ hoặc thuốc hoá trị điều trị ung thư có thể gây chảy máu nướu răng.

1.8. Sử dụng bàn chải đánh răng lông cứng

Ngoài ra, việc sử dụng bàn chải lông cứng, có kích thước không phù hợp với khoang miệng cũng có thể là nguyên nhân khiến đánh răng bị chảy máu. Do đó, nếu đang sử dụng loại bàn chải thô cứng gây cảm giác khó chịu khi đánh răng thì bạn nên cân nhắc đổi sang loại bàn chải mềm mại hơn.

2. Hay bị chảy máu khi đánh răng có nguy hiểm không?

Nếu thỉnh thoảng đánh răng bị chảy màu thì hoàn toàn bình thường và không đáng phải lo ngại. Tuy nhiên, nếu tình trạng này xuất hiện thường xuyên và tái diễn liên tục thì đây có thể là dấu hiệu của các bệnh viêm nhiễm cấp tính.

Chảy máu khi đánh răng nếu để lâu mà không được tìm hiểu nguyên nhân rồi điều trị sớm thì có thể sẽ khiến các mô nướu xung quanh răng bị tổn thương nghiêm trọng, gia tăng nguy cơ viêm nướu thậm chí có thể khiến răng rụng đi. Tình trạng này nếu không được khắc phục sớm thì có thể gây ra những ảnh hưởng nguy hiểm đến những đối tượng sau:

- Người mắc bệnh tim mạch hoặc tiểu đường: Làm tăng lượng đường trong máu và gây một số biến chứng như viêm nội tâm mạc từ đó làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, thậm chí là đột quỵ.

- Phụ nữ đang mang thai: Tăng nguy cơ biến chứng trong thai kỳ, dẫn đến sinh non hoặc trẻ sinh ra bị nhẹ cân.

Chảy máu khi đánh răng

3. Khắc phục tình trạng chảy máu khi đánh răng như thế nào?

Để khắc phục tình trạng đánh răng bị chảy máu, bạn nên lưu ý một số điều như sau:

3.1. Vệ sinh răng miệng kỹ càng

Đánh răng là việc bắt buộc phải thực hiện để làm sạch vi khuẩn trong khoang miệng nhằm phòng tránh các bệnh răng miệng khác nên dù đánh răng bị chảy máu thì bạn cũng không nên bỏ qua bước này khi vệ sinh răng miệng. Để hạn chế chảy máu, bạn cần tìm hiểu về các biện pháp làm sạch chuyên dụng hơn như bàn chải điện với sóng âm, tăm nước,...

Vệ sinh răng miệng kỹ càng

3.2. Lấy cao răng

Như đã đề cập phía trên, cao răng tích tụ quanh chân răng cũng chính là nguyên nhân gây chảy máu khi đánh răng nên để khắc phục tình trạng này thì việc lấy cao răng là rất cần thiết. bạn cần đến nha khoa để thực hiện cạo vôi răng bằng máy siêu âm, không nên tự làm sạch mảng bám cao răng ở nhà.

Cạo vôi răng giúp ngăn ngừa chảy máu chân răng

3.3. Điều trị chảy máu chân răng

Khi đi thăm khám tại nha khoa thì bạn sẽ được tìm ra nguyên nhân cụ thể của đánh răng bị chảy máu và từ đó bác sĩ có thể sẽ chỉ định sử dụng một số loại thuốc giúp hạn chế dần tình trạng này.

Lưu ý không nên tự ý sử dụng thuốc khi chưa có hướng dẫn của bác sĩ vì có thể không đạt hiệu quả điều trị mà còn gây những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ tổng thể.

Điều trị chảy máu răng bằng thuốc bôi

3.4. Từ bỏ thói quen xấu

Một vài thói quen xấu cũng khiến đánh răng bị chảy máu và viêm lợi trở nên nặng hơn như dùng tăm xỉa răng thường xuyên, đánh răng quá mạnh, dùng chỉ nha khoa không đúng cách, ăn nhiều thức ăn cay, nóng, hút thuốc lá,... Do đó, bạn nên cải thiện những thói quen này để sức khoẻ răng miệng trở nên tốt hơn.

3.5. Bổ sung dinh dưỡng cần thiết

Tăng cường bổ sung vitamin C và vitamin K để cải thiện nhanh tình trạng chảy máu khi đánh răng. Các chất này có nhiều trong hoa quả, trái cây tươi như cam, chanh, ổi, củ cải, chuối,...

Bổ sung dinh dưỡng cần thiết

4. Phòng ngừa chảy máu khi đánh răng như thế nào?

Để phòng tránh chảy máu khi đánh răng, bạn cần hạn chế khả năng mắc các bệnh viêm nhiễm về nướu, răng:

- Đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày đặc biệt là sau mỗi bữa ăn để loại bỏ mảng bám thức ăn.

- Sử dụng bàn chải lông mềm với lực chải vừa phải tránh làm nướu răng bị tổn thương.

- Dùng kem đánh răng chứa flour hỗ trợ răng chắc khỏe.

- Thay thế tăm bằng chỉ nha khoa để loại bỏ vụn thức ăn có trong kẽ răng.

- Duy trì chế độ ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết hỗ trợ tăng đề kháng giúp cơ thể chống lại các loại vi khuẩn gây hại.

- Thăm khám nha khoa định kỳ ít nhất 2 lần mỗi năm để đảm bảo sức khỏe răng miệng được kiểm tra thường xuyên.

Vậy đánh răng bị chảy máu nếu diễn ra trong thời gian dài và lặp lại liên tục thì có thể là dấu hiệu của những bệnh lý viêm nhiễm nghiêm trọng. Lúc này, bạn nên đến nha khoa để được thăm khám tìm ra nguyên nhân cụ thể rồi thực hiện các biện pháp điều trị triệt để kịp thời.