VN

Cắt Nang Chân Răng Bao Lâu Thì Khỏi?

NỘI DUNG BÀI VIẾT:

1. Nang chân răng là gì?
2. Biểu hiện của nang chân răng là gì?
3. Nang chân răng có nguy hiểm không?
4. Cách điều trị nang chân răng
5. Phẫu thuật nang chân răng có đau không?
6. Cắt nang chân răng bao lâu thì khỏi?
 

Nang chân răng là một trong những bệnh lý răng miệng nguy hiểm có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ nếu không được điều trị kịp thời nên bệnh nhân bắt buộc phải đến gặp bác sĩ để được thăm khám kỹ lưỡng. Cắt nang chân răng là một kỹ thuật khá khó nên cần được thực hiện bởi bác sĩ có tay nghề cao cùng nhiều năm kinh nghiệm trong nghề để đảm bảo an toàn cũng như đảm bảo vết thương được hồi phục nhanh chóng.

1. Nang chân răng là gì?

Nang chân răng được phát triển từ răng sâu, tuỷ răng bị tấn công dẫn đến hoại tử rồi giải phóng độc tố tại chóp răng gây viêm quanh chóp. Quá trình viêm nhiễm sẽ kích thích sự hoại tử, phá huỷ tế bào biểu mô Malassez còn sót lại ở dây chằng quanh răng, dẫn đến hình thành nang, nang có thể bị viêm hoặc không. Đây là một dạng biểu mô xương hàm và có thể đè ép vào xương, độc tố được giải phóng từ những tổ chức hạt gây tiêu xương.

Nang chân răng là gì?

Nang chân răng là loại nang thường gặp nhiều nhất ở xương hàm, hàm trên thường gặp nhiều hơn hàm dưới, thường gặp nhất là nang ở vùng răng cửa hàm trên. Khi nang răng phát triển càng lớn thì xương càng bị phá huỷ nhiều tạo thành một hốc lớn bên trong xương hàm, chủ yếu chứa nước nhưng xương không còn. Từ đó, xương bị mỏng dần và dễ gãy hơn.

2. Biểu hiện của nang chân răng là gì?

Do triệu chứng lâm sàng của nang chân răng khá nghèo nàn nên bệnh này thường rất khó để phát hiện ra. Lúc đầu, người bệnh không hề có cảm giác đau nhức hay khó chịu, dấu hiệu duy nhất là răng đổi màu nhưng thường ít được để ý đến. Đặc biệt đối với trẻ em sẽ có tình trạng răng sữa không rụng mặc dù đã đến thời điểm thay răng. Khi nang chân răng nặng sẽ gây nhiễm trùng và gây ra các triệu chứng như đau vùng có u, chảy mủ, sưng mặt, răng lung lay,...

Khi tiến hành chụp phim X-quang, hình ảnh cho thấy nang chân răng là một vùng sáng hình trong hoặc hình oval dính với một chân răng chết tủy. Răng tương ứng với nang có hình ảnh lỗ sâu rộng, chóp chân răng nằm trong vùng sáng, dây chằng quanh răng giãn rộng. Răng bên cạnh thì thường bị nghiêng hoặc di lệch.

biểu hiện của nang chân răng

3. Nang chân răng có nguy hiểm không?

Nang chân răng được xếp vào nhóm bệnh lý răng miệng nguy hiểm và gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người bệnh:

- Nang chân răng có thể phá huỷ nhiều tế bào mô xung quanh chóp răng lâu dần sẽ khiến chúng tiêu biến, vi khuẩn sẽ tấn công sâu vào tuỷ răng làm chân răng bị phá huỷ ngay từ bên trong.

- Nang chân răng gây tiêu xương tại chỗ, nhiều trường hợp còn là nguyên nhân gây tiêu xương những răng lân cận. Nếu không được khắc phục thì có thể dẫn đến mất răng hàng loạt.

- Nang chân răng làm tiêu xương ổ răng và sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng ăn nhai của hàm. Bên cạnh đó, nó còn làm khuôn mặt bị biến dạng gây mất thẩm mỹ.

nang chân răng có nguy hiểm không

4. Cách điều trị nang chân răng

Nang chân răng phát triển lâu ngày sẽ làm phá huỷ các mô quanh chóp răng, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm nên cần được điều trị càng sớm càng tốt. Phương pháp điều trị nang chân răng hiện nay là phẫu thuật.

cách điều trị nang chân râng

Bệnh nhân cần thực hiện thăm khám tổng quát, chụp X-quang để bác sĩ xác định được tình trạng cụ thể rồi đưa ra phương pháp điều trị mang đến kết quả cao nhất:
  • Nếu các răng bị lung lay nhiều, nang răng đã phát triển to, xương bị tiêu quá 1/3  chân răng thì bác sĩ sẽ phải nhổ bỏ răng, cùng với đó là bỏ vỏ nang.
  • Nếu xương ổ răng vẫn còn đủ chắc khoẻ, nang nhỏ, chân răng dự kiến cắt không quá 1/3 chân răng thì bác sĩ sẽ giữ lại răng rồi điều trị tuỷ răng, hàn ống tuỷ, cắt cuống răng và bỏ hết vỏ nang răng.
  • Nang xương hàm trên quá lớn gây phá huỷ xoang hàm thì bác sĩ sẽ lấy bỏ nang và niêm mạc xoang đồng thời dẫn lưu vào ngách mũi dưới cùng bên.
  • Nang to ở vị trí xương hàm dưới thì bác sĩ sẽ dựa vào từng trường hợp cụ thể để chỉ định chỉ lấy bỏ nang đơn thuần hay cần sử dụng nẹp tăng cường để ngăn chặn tình trạng gãy xương hàm.

Sau khi lấy bỏ nang răng, nếu lỗ khuyết hổng xương nhỏ thì không cần than thiệp mà cơ thể sẽ tự bù đắp bằng các tổ chức xơ hoặc biểu mô hoá. Trường hợp nếu chỗ khuyết hổng lớn thì bác sĩ sẽ tiến hành trám bít bằng các loại vật liệu tự thân như vạt xương, cơ hoặc các vật liệu nhân tạo khác.

5. Phẫu thuật nang chân răng có đau không?

Trên thực tế phẫu thuật nang chân răng có đau không phụ thuộc vào ngưỡng chịu đau cũng như mức độ nghiêm trọng của mỗi người. Tuy nhiên, trước khi thực hiện loại bỏ nang răng thì nha sĩ sẽ tiến hành gây tê để giảm bớt cảm giác khó chịu nên nếu kích thước nang nhỏ thì bạn sẽ chỉ thấy hơi nhói nhẹ. Còn nếu khi nang răng đã lan rộng thì cảm giác đau nhức có thể sẽ rõ ràng hơn một chút, đặc biệt là trong quá trình hồi phục vết thương.
 
Để hạn chế cảm giác đau nhức sau khi phẫu thuật nang răng, bạn cần chú ý về chế độ ăn uống hợp lý cũng như thực hiện vệ sinh răng miệng đúng cách. Mục đích là để tránh tình trạng nhiễm trùng, viêm nhiễm có thể tái phát trong quá trình lành thương. Nếu nhận thấy vết mổ có dấu hiệu chảy mủ hoặc sưng đỏ thì cần đến nha khoa để được kiểm tra ngay lập tức.

phẫu thuật nang chân răng có đau không

6. Cắt nang chân răng bao lâu thì khỏi?

Quá trình phẫu thuật nang chân răng nếu được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ có tay nghề cao cùng nhiều năm kinh nghiệm thì sẽ tương đối nhanh chóng và không quá phức tạp. Nhờ đó mà thời gian lành thương sau khi điều trị cũng sẽ được rút ngắn đáng kể. Thông thường, vết thương tại vị trí phẫu thuật nang chân răng cần khoảng 1 tuần để lành lại như bình thường.
 
Ngoài ra, nếu vết thương được chăm sóc đúng cách theo chỉ dẫn của bác sĩ sẽ việc phục hồi chắc chắn sẽ nhanh chóng hơn, hạn chế những rủi ro tái phát không mong muốn.

cắt nang chân răng mất bao lâu

 
Vậy nang chân răng là bệnh lý răng miệng gây ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khoẻ nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh này không thể tự khỏi với các phương pháp tự điều trị tại nhà nên bạn cần đến nha khoa để được thăm khám và tư vấn về giải pháp điều trị cụ thể để đảm bảo an toàn.