VN

Triệu Chứng Của Áp Xe Nha Chu - Cách Phòng Ngừa Hiệu Quả

NỘI DUNG BÀI VIẾT

1. Áp xe nha chu là gì?
2. Nguyên nhân gây áp xe nha chu
3. Triệu chứng của áp xe nha chu
4. Phương pháp điều trị áp xe nha chu
5. Phòng ngừa áp xe nha chu như thế nào?

ap-xe-nha-chu

Áp xe nha chu là bệnh nhiễm trùng xuất hiện ổ mủ áp xe ở vị trí chân răng, tình trạng này xảy ra phần lớn các trường hợp là do biến chứng của viêm nha chu không được điều trị kịp thời. Bệnh này sẽ chuyển qua lại giữa các giai đoạn khác nhau nên thường rất khó để phát hiện, nhưng chúng sẽ âm thầm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ tổng thể.

1. Áp xe nha chu là gì?

Áp xe nha chu là một bệnh nhiễm trùng cục bộ, các loại vi khuẩn từ túi nha chu khi có điều kiện thuận lợi thì chúng sẽ xâm nhập và tấn công các mô quanh răng. Tại đây, chúng sẽ kích hoạt phản ứng viêm, tạo ra các ổ áp xe nha chu có chứa mủ tích tụ trong các mô liên kết của túi quanh răng. Nhiễm trùng gây ra sự phá huỷ nhanh chóng của xương ổ răng liền kề cũng như dây chằng nha chu.

ap-xe-nha-chu-la-gi

2. Nguyên nhân gây áp xe nha chu

Áp xe nha chu có thể là do các nguyên nhân sau đây:

  2.1. Bệnh viêm nha chu

Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến áp xe nha chu chính là bệnh viêm nha chu. Viêm nha chu thực chất là diễn biến nặng hơn của bệnh viêm lợi thông thường. Trường hợp bệnh viêm lợi không được khắc phục trong thời gian lâu dài thì sẽ dẫn tới viêm nha chu. Lúc này, người bệnh sẽ xuất hiện một số triệu chứng như chảy máu chân răng, sưng lợi, đỏ lợi, hơi thở có mùi, răng có nhiều mảng bám,...

Nếu viêm nha chu vẫn không được điều trị bằng các biện pháp chuyên sâu thì sẽ bắt đầu hình thành nên những ổ áp xe và người bệnh có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất răng.

  2.2. Sang thương vùng chẽ

Có nhiều nghiên cứu cho thấy rằng áp xe nha chu là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc phải nhổ bỏ răng cối và khi so sánh tình trạng mất răng do bị áp xe nha chu thì tỷ lệ sang thương vùng chẽ là khá cao. Các túi mủ áp xe thường xuất hiện tại vùng chẽ chủ yếu trong các trường hợp áp xe nha chu ở răng khôn hoặc răng cối.

  2.3. Sử dụng kháng sinh

ap-xe-nha-chu-do-su-dumg-khang-sinh

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng có nhiều bệnh nhân bị viêm nha chu không tiến hành các biện pháp điều trị chuyên sâu nhưng cùng lúc đó lại có sử dụng thuốc kháng sinh toàn thân để điều trị các bệnh lý cơ thể nên dẫn đến áp xe nha chu trong thời gian ngắn.

Do đó, kháng sinh toàn thân có thể dẫn đến hiện tượng bội nhiễm với vi khuẩn và dẫn đến việc hình thành các túi mủ áp xe nha chu.

  2.4. Bít túi nha chu

Trường hợp túi nha chu bị bít lại vì bất cứ nguyên nhân nào cũng khiến khả năng đào thải vi khuẩn giảm sút đáng kể. Điều này tạo cơ hội cho vi khuẩn tích tụ càng nhiều và tấn công gây nên áp xe nha chu.

Nguyên nhân làm túi nha chu bị bít có thể là dị vật, bụi bẩn, thức ăn thừa,... Ngoài ra, việc các mảng bám cao răng không được làm sạch khi điều trị bệnh nha chu cũng có thể dẫn đến hình thánh áp xe.

  2.5. Bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường, tim mạch hoặc một số bệnh mạn tính khác cũng là nguyên nhân gây áp xe nha chu. Những bệnh nhân này sẽ có khả năng miễn dịch không cao nên vi khuẩn sẽ có cơ hội thuận lợi hơn tấn công hình thành các ổ áp xe.

3. Triệu chứng của áp xe nha chu

trieu-chung-cua-ap-xe-nha-chu

Bệnh nhân bị áp xe nha chu có thể có cảm giác đau đớn từ nhẹ đến nặng và vùng bị áp xe sẽ có cảm giác đau nhức khó chịu. Răng thì trở nên nhạy cảm, di chuyển hoặc lung lay, trồi lên, hơi thở có mùi hôi, sưng hạch bạch huyết tại chỗ và sốt. Các triệu chứng này xuất hiện khá rõ ràng khi bệnh ở tình trạng viêm cấp tính.

Nếu không được điều trị kịp thời, áp xe nha chu sẽ thành mãn tính. Biểu hiệu bệnh lúc này là một đường dò từ các cấu trúc sâu mở ra niêm mạc nướu dọc theo chân răng và miệng lỗ có thể được che phủ bởi khối mô hạt nên sẽ rất khó để phát hiện. Ở giai đoạn này, áp xe nha chu thường không có triệu chứng gì rõ rệt nhưng bệnh nhân sẽ cảm thấy hơi đau âm ỉ, răng hơi trồi nhẹ và cảm giác chỉ muốn cắn chặt răng lại.

4. Phương pháp điều trị áp xe nha chu

phuong-phap-dieu-tri-ap-xe-nha-chu

Để điều trị áp xe nha chu, bác sĩ sẽ tiến hành chích rạch hoặc chích rạch có dẫn lưu để loại bỏ mảng bám, cao răng, mảnh vụn thức ăn hoặc dị vật khác gây ra áp xe. Việc xử lý cũng có thể bao gồm bơm rửa túi quanh răng và điều chỉnh khớp cắn nếu cần thiết. 

Ngoài ra, kháng sinh toàn thân cũng có thể được chỉ định trong trường hợp bệnh nhân có biểu hiện sốt hoặc có các dấu hiệu nhiễm trùng toàn thân khác. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần phối hợp điều trị với bác sĩ bằng cách sử dụng thuốc giảm đau theo chỉ định, súc miệng với nước muối và chế độ ăn uống hợp lý. 

Áp xe nha chu xảy ra khi mủ tụ lại ở quanh răng nên việc đầu tiên là phải dẫn lưu được mủ và sau đó bác sĩ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng để cố gắng giữ lại răng hay nhổ bỏ răng. 

Bệnh nhân được khuyến khích sử dụng nước muối ấm để súc miệng trong thời gian trị bệnh để thuận lợi cho việc dẫn lưu. Khi tổn thương đã ổn định, có thể cần phải nạo chân răng hoặc phẫu thuật nha chu để kích thích lành thương nhanh.

5. Phòng ngừa áp xe nha chu như thế nào?

phong-ngua-ap-xe-nha-chu

Để phòng ngừa áp xe nha chu, khách hàng cần lưu ý một số điều sau đây:

  -  Nên điều trị viêm nha chu ngay khi phát hiện ra, tránh bệnh tiến triển nghiêm trọng dẫn đến việc hình thành ổ áp xe cũng như những ảnh hưởng nghiêm trọng khác.
  -  Khám răng định kỳ 6 tháng 1 lần để bác sĩ có thể phát hiện các bệnh lý răng miệng và điều trị kịp thời nếu có.
  -  Vệ sinh răng miệng đúng cách ít nhất 2 lần mỗi ngày. Chọn bàn chải lông mềm và chải răng với lực vừa phải.
  -  Kết hợp dùng chỉ nha hoặc hoặc máy tăm nước để loại bỏ hoàn toàn vụn thức ăn trong các kẽ răng.

Vậy áp xe nha chu là một trong các bệnh lý răng miệng khá nguy hiểm, xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Để tránh những biến chứng nghiêm trọng hơn, khách hàng nên thăm khám và điều trị tại các cơ sở nha khoa uy tín, sở hữu đội ngũ bác sĩ giỏi với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực răng hàm mặt.