VN

Đâu Là Giải Pháp Điều Trị Răng Hô Nhẹ Hiệu Quả Nhất?

NỘI  DUNG BÀI VIẾT

1. Dấu hiệu nhận biết răng hô
2. Nguyên nhân khiến răng bị hô nhẹ
3. Ảnh hưởng của răng hô nhẹ
4. Cách khắc phục tình trạng răng hô nhẹ
5. Các phương pháp niềng răng hô nhẹ

Răng hô nhẹ thường là do một số thói quen xấu từ nhỏ hoặc do yếu tố di truyền từ người thân. Tình trạng này thường không gây tác hại gì đến sức khỏe nhưng sẽ khiến nhiều người mất đi sự tự tin vì thẩm mỹ khuôn mặt bị ảnh hưởng. Để khắc phục răng hô nhẹ, khách hàng có thể lựa chọn một trong các phương pháp được tư vấn bởi bác sĩ chuyên môn tại các nha khoa uy tín. 

1. Dấu hiệu nhận biết răng hô


Thông thường, khi đến phòng nha, bác sĩ sẽ thực hiện các phương pháp chuyên sâu như lấy mẫu hàm, chụp phim để nhận biết răng hô. Bên cạnh đó, có thể dùng gương quan sát nét mặt nghiêng và chú ý đến đường thẳng nối điểm trước nhất của trán tới điểm ngay dưới chân mũi. Ngoài ra, có thể nhận thấy tình trạng răng hô nhờ đường thẩm mỹ S hoặc E:

  1.1. Đường thẩm mỹ S

Đường thẩm mỹ S là đường nối điểm giữa cánh mũi đến điểm nhô nhất của cằm. Theo đó, lý tưởng nhất là điểm nhô của môi trên và môi dưới đều chạm đường S, nếu môi trên và môi dưới nằm dưới đường này thì có thể xác định là tình trạng hô nhẹ.

  1.2. Đường thẩm mỹ E

Đường nối đỉnh mũi đến điểm trước nhất của cằm được cho là đường thẩm mỹ E. Đối với người Việt Nam, môi trên nằm sau đường này khoảng 1mm và môi dưới khoảng 1mm là lý tưởng. 

2. Nguyên nhân khiến răng bị hô nhẹ


Tình trạng răng bị hô nhẹ thường do các nguyên nhân sau:

  2.1. Do bẩm sinh

Trên thực tế, khi trẻ chào đời, hàm trên và hàm dưới sẽ có sự chênh lệch tự nhiên. Khi lớn hơn, sự phát triển của hàm dưới với cường độ lớn hơn sẽ xóa đi sự khác biệt này. Trường hợp nếu xương hàm trên tiếp tục phát triển quá mức hoặc xương hàm dưới kém phát triển do yếu tố di truyền thì sẽ dẫn đến tình trạng hô nhẹ.

  2.2. Do thói quen xấu

Những thói quen xấu thường gặp ở trẻ em như mút ngón tay, liếm môi, ngủ há miệng, nghiến răng,... cũng là nguyên nhân khiến răng bị hô. Bên cạnh đó, nếu răng sữa không được vệ sinh đúng cách dẫn tới bị sâu hay sún thì quá trình thay răng vĩnh viễn sẽ bị ảnh hưởng và răng có khả năng cao sẽ mọc lệch, hô. 

3. Ảnh hưởng của răng hô nhẹ


Tuy không có biểu hiện gì quá rõ ràng nhưng nếu không điều trị sớm thì răng bị hô nhẹ có thể gây ra một số ảnh hưởng sau:

  3.1. Tính thẩm mỹ

Dù nhìn thẳng từ phía đối diện thì răng vẩu nhẹ rất khó để quan sát nhưng nếu ở góc nghiêng thì rất dễ dàng bị phát hiện. Việc này khiến nhiều người mất đi sự tự tin khi chụp ảnh ở những góc nghiêng. 

  3.2. Khả năng ăn nhai

Thông thường, hai hàm trên và dưới phải có tỉ lệ chuẩn và đóng khít vào nhau thì chức năng ăn nhai của răng mới đạt được hiệu quả tối đa. Trường hợp răng hô nhẹ khiến hai hàm không khớp vào nhau làm ảnh hưởng ít nhiều đến khả năng nhai, cắn thức ăn. Nếu không được khắc phục sớm, khớp thái dương có thể sẽ dần trở nên đau nhức do hàm chuyển động sai lệch.

  3.3. Tăng nguy cơ mắc các bệnh răng miệng khác

Khi răng bị hô, nướu có thể bị tổn thương dẫn đến các bệnh nha chu nguy hiểm do các răng cửa hàm trên và hàm dưới rất dễ cắn vào bộ phận này trong quá trình ăn nhai. Không chỉ vậy, khi hàm trên bị nhô ra trước quá nhiều thì răng hàm dưới liên tục mài vào mặt trong của hàm trên, từ đó khiến men răng bị mài mòn, răng không còn được chắc khỏe, tạo cơ hội thuận lợi cho vi khuẩn tấn công dễ dàng.

4. Cách khắc phục tình trạng răng hô nhẹ


Hiện nay có 3 phương pháp khắc phục răng hô nhẹ hiệu quả như sau:

  4.1. Mài răng hô nhẹ

Mài răng hô nhẹ thường được bác sĩ chỉ định đối với trường hợp răng cửa hơi nhô ra ngoài. Với phương pháp này, men răng sẽ được mài đi với tỷ lệ an toàn từ 0.3mm - 0.6mm. Đây được cho là cách điều trị răng hô nhẹ nhanh chóng, tiết kiệm chi phí nhưng vẫn mang lại hiệu quả tối ưu. Tuy nhiên, cần đảm bảo bác sĩ thực hiện có tay nghề cao, tránh gây tổn thương men răng trong quá trình điều trị. 

  4.2. Niềng răng hô nhẹ

Niềng răng hô nhẹ là phương pháp được áp dụng phổ biến nhất tại các cơ sở nha khoa hiện tại. Đối với phương pháp này, hệ thống mắc cài, dây cung sẽ được gắn cố định trên răng. Từ đó, tạo lực đẩy và từ từ đưa răng về đúng vị trí, khắc phục tình trạng hô răng. Thông thường, liệu trình niềng răng sẽ kéo dài khoảng 1.5 năm - 2 năm, nhưng hiệu quả mang lại cũng được duy trì lâu dài.  

  4.3. Bọc răng sứ


Bọc răng sứ không chỉ mang lại hàm răng thẳng đều mà còn giúp răng trắng sáng hơn. Để thực hiện phương pháp này, bác sĩ sẽ tiến hành mài cùi răng thật cần bọc sứ để làm trụ đỡ cho mão sứ phía trên. Tuy nhiên, tương tự như mài răng, cách điều trị răng hô này cũng tác động trực tiếp đến cấu trúc răng nên cần lựa chọn nha khoa uy tín để đảm bảo an toàn.

5. Các phương pháp niềng răng hô nhẹ

Với 3 cách điều trị răng hô nhẹ phía trên, niềng răng được các chuyên gia đánh giá là an toàn và hiệu quả nhất. Có nhiều phương pháp niềng răng khác nhau và ưu nhược điểm của mỗi loại sẽ tương ứng với mức giá thành. Tùy thuộc vào từng độ tuổi, nhu cầu, tình trạng răng miệng và điều kiện kinh tế mà khách hàng sẽ được tư vấn phương pháp chỉnh nha phù hợp nhất.

  5.1. Niềng răng mắc cài kim loại


Niềng răng mắc cài kim loại là phương pháp truyền thống đã được áp dụng từ rất lâu. Với phương pháp này, bác sĩ sẽ điều chỉnh lực của hệ thống dây cung và mắc cài được gắn cố định trên răng để nắn chỉnh, kéo răng về vị trí mong muốn. 
Mắc cài này được làm từ hợp kim nên thường có độ bền cao nhưng lại có thể gây kích ứng đối với một số trường hợp cơ địa nhạy cảm. Bên cạnh đó, phần mắc cài kim loại khác màu so với răng thật rất dễ dàng bị nhận ra dù chỉ là nhìn thoáng qua khiến nhiều người đánh mất đi sự tự tin khi nở nụ cười.

  5.2. Niềng răng mắc cài sứ


Tương tự như niềng răng mắc cài kim loại về cơ chế hoạt động, điểm khác biệt duy nhất là đối với niềng răng mắc cái sứ thì hệ thống mắc cài dây cung được làm bằng sứ cao cấp. Do có thể điều chỉnh được màu sắc của sứ trùng với màu răng thật nên tính thẩm mỹ sẽ được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn gây vướng víu, khó khăn trong quá trình ăn nhai và nếu không vệ sinh răng miệng đúng cách sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn gây ra các bệnh lý khác. 

  5.3. Niềng răng trong suốt Invisalign


Niềng răng trong suốt Invisalign là phương pháp niềng răng hiện đại được nhiều người lựa chọn nhất hiện nay. Thay vì sử dụng các khí cụ chỉnh nha truyền thống, phương pháp niềng răng Invisalign sẽ sử dụng một khay nhựa trong suốt để đảm bảo tính thẩm mỹ tuyệt đối và mang lại hiệu quả tốt nhất. 

Với Invisalign, những khay niềng làm từ nhựa trong suốt sẽ được thiết kế riêng phù hợp với khung hàm của mỗi người. Bên cạnh đó, khách hàng sẽ được xem 1 đoạn video mô phỏng sự thay đổi của răng trong suốt quá trình điều trị cũng như kết quả cuối cùng thông qua phần mềm Clincheck. Với các tình trạng hô nhẹ, thời gian điều trị với niềng răng trong suốt Invisalign chỉ mất khoảng 3-9 tháng.

Vậy, dù không mang lại những ảnh hưởng quá lớn đối với sức khỏe răng miệng hay toàn thân nhưng khi gặp phải tình trạng răng hô nhẹ vẫn nên đến các cơ sở nha khoa uy tín được tư vấn. Tùy theo tình trạng răng hô và nhu cầu của mỗi người mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp nhất.