VN

Mắc Cài Kim Loại Là Gì? Có Bao Nhiêu Loại?

NỘI DUNG BÀI VIẾT

1. Niềng răng mắc cài kim loại là gì?
2. Các loại mắc cài kim loại
3. Trường hợp niềng răng với mắc cài kim loại
4. Ưu điểm của niềng răng mắc cài kim loại
5. Nhược điểm của niềng răng mắc cài kim loại
6. Quy trình niềng răng với mắc cài kim loại
7. Những lưu ý khi niềng răng mắc cài kim loại


Với những tình trạng răng hô, móm, thưa, lệch lạc,... thì niềng răng dường như là giải pháp duy nhất để khôi phục lại tính thẩm mỹ cho hàm răng. Hiện nay có rất nhiều phương pháp niềng răng khác nhau phù hợp với nhiều phân khúc khách hàng, và niềng răng kim loại là một trong những phương pháp được nhiều người lựa chọn nhất. Với mức chi phí khá thấp nhưng niềng răng mắc cài kim loại vẫn mang lại được hiệu quả chỉnh nha tương tự như các phương pháp niềng khác với mức giá cao hơn.

1. Niềng răng mắc cài kim loại là gì?


Niềng răng thẩm mỹ hay còn được gọi là chỉnh nha thẩm mỹ, là phương pháp dùng lực kéo của các khí cụ chỉnh nha như dây cung, mắc cài, khay niềng trong suốt,.. để điều chỉnh chân răng về vị trí mong muốn. Việc niềng răng sẽ giúp cân đối khớp cắn, mang lại tính thẩm mỹ cao cho toàn thể khuôn mặt và còn hạn chế được nhiều bệnh lý răng miệng khác.

Niềng răng mắc cài kim loại là một trong những kỹ thuật niềng răng được áp dụng sớm nhất. Với kỹ thuật này, dây cung và mắc cài kim loại sẽ được gắn vào răng và tạo một lực siết đều đặn để răng sẽ dịch chuyển dần theo thời gian về đúng vị trí mong muốn. 

2. Các loại mắc cài kim loại


Niềng răng mắc cài kim loai được chia thành nhiều loại mà phổ biến nhất là các loại sau đây:

  2.1. Niềng răng mắc cài kim loại thường

Đây là phương pháp sử dụng các dây cung, mắc cài được làm từ hợp kim và được cố định bằng thun buộc. Với chất liệu là hợp kim không gỉ, mắc cài có độ cứng và độ bền khá cao, đồng thời không có khả năng gây kích ứng đối với cơ thể. Bên cạnh đó, với giá thành khá rẻ, phương pháp niềng răng bằng mắc cài kim loại truyền thống (thường) được rất nhiều người lựa chọn.

  2.2. Niềng răng mắc cài kim loại tự buộc

Niềng răng mắc cài kim loại tự buộc là phương pháp chỉnh nha được cải tiến từ phương pháp niềng răng với mắc cài truyền thống nên phương pháp này sẽ có những đặc điểm cơ bản của niềng răng mắc cài kim loại thông thường. 

Điểm khác biệt duy nhất là dây cung không được cố định bằng dây chun mà được cố định bởi khóa tự động được tích hợp ngay trên mắc cài. Khóa này sẽ giúp dây cung được cố định chặt chẽ hơn, hạn chế những vấn đề của dây thun như: giãn thun, lực ma sát của thun làm tổn thương đến răng miệng,... Nhờ đó mà khách hàng không cần mất quá nhiều thời gian đến nha khoa thường xuyên để căn chỉnh lực siết.

  2.3. Niềng răng mắc cài kim loại mặt trong

Niềng răng mắc cài mặt trong cũng có các đặc điểm tương tự như hai loại mắc cài trên. Vị trí răng đặt mắc cài là điểm khác biệt so với hai phương pháp còn lại. Thay vì mắc cài được gắn ở mặt ngoài của răng thì mắc cài sẽ được gắn vào mặt trong, nhờ vậy mà khách hàng sẽ hạn chế bị lộ niềng răng và có thể tự tin hơn khi giao tiếp.

3. Trường hợp niềng răng với mắc cài kim loại


Niềng răng với mắc cài kim loại thường phù hợp với tất cả các trường hợp răng miệng từ nặng đến nhẹ khi có nhu cầu khắc phục khuyết điểm: 

  3.1. Răng hô

Răng hô hay còn gọi là răng vẩu, là tình trạng răng trên nhô ra ngoài nhiều hơn mức bình thường. Tình trạng này sẽ dẫn đến sự sai lệch giữa hai hàm trên dưới, dù không gây hại gì cho sức khỏe răng miệng nhưng sẽ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ.

  3.2. Răng móm

Răng móm là tình trạng khớp cắn giữa hai hàm bị sai lệch. Đây là trường hợp răng hàm trên hướng nhiều vào trong và khi khép miệng thì cưng hàm dưới phủ bên ngoài cung răng hàm trên.

  3.3. Răng thưa


Răng thưa là tình trạng các răng mọc ở vị trí cách xa nhau trên khung hàm tạo ra khoảng trống giữa hai hay các răng với nhau. Không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, răng thưa sẽ gây nhiều khó khăn trong việc ăn nhai, thức ăn có thể dễ dàng mắc vào các kẽ răng và đây sẽ là nguy cơ gây ra các bệnh răng miệng khác nếu không được vệ sinh kỹ. 

  3.3. Răng khấp khểnh

Răng khấp khểnh là trường hợp răng mọc không thẳng, đều, các răng chen chúc nhau và vị trí rất lộn xộn. Răng có thể mọc nghiêng, mọc lệch hay mọc ngầm trong xương.

4. Ưu điểm của niềng răng mắc cài kim loại


So với các phương pháp niềng răng khác, niềng răng mắc cài có những ưu điểm sau:

  4.1. Chắc chắn, ổn định

Do mắc cài và dây cung được làm bằng hợp kim không gỉ có độ bền, độ cứng khá cao nên có thể hoàn toàn tránh được hiện tượng bung mắc cài trong suốt quá trình điều trị. Bên cạnh đó, khách hàng cũng sẽ không cần lo lắng những vấn đề gãy vỡ làm ảnh hưởng đến kết quả điều trị niềng răng. 

  4.2. Chi phí hợp lý

Trên thực tế, mỗi trường hợp răng miệng khác nhau sẽ có mức chi phí niềng răng khác nhau nhưng so với các phương pháp chỉnh nha khác như niềng răng mắc cài sứ hay niềng răng trong suốt thì giá tiền niềng răng bằng mắc cài kim loại là thấp nhất. 

Chi phí điều trị trung bình đối với phương pháp niềng răng mắc cài kim loại chỉ dao động từ 30-40 triệu tùy tình trạng răng miệng và nha khoa mà khách hàng lựa chọn. Trong khi đó, phương pháp niềng răng mắc cài sứ dao động từ 45-58 triệu và niềng răng không mắc cài dao động từ 100-120 triệu/ 1 liệu trình. 

  4.3. Thời gian điều trị không quá dài

Do lực tác động của dây cung và mắc cài là liên tục và ổn định nên thời gian niềng răng có thể rút ngắn từ 1-6 tháng so với các phương pháp chỉnh nha khác. 

5. Nhược điểm của niềng răng mắc cài kim loại


Bên cạnh những ưu điểm nổi bật, niềng răng mắc cài kim loại vẫn có những nhược điểm sau:

  5.1. Tính thẩm mỹ không cao

Mặc dù hiệu quả chỉnh nha mang lại là rất cao và tiết kiệm được nhiều chi phí nhưng nhiều người vẫn rất đắn đo khi lựa chọn phương pháp niềng răng mắc cài kim loại vì lý do thẩm mỹ. Màu sắc của dây cung và mắc cài kim loại được gắn ở mặt ngoài răng quá khác biệt so với răng thật nên sẽ dễ dàng bị nhận ra. Vì lý do đó nên nhiều người sẽ mất đi sự tự tin khi giao tiếp hoặc khi nở nụ cười.

  5.2. Cảm giác khó chịu

Phần mắc cài cộm trên răng có thể mang đến cảm giác khó chịu trong thời gian đầu khi chưa thích nghi. Bên cạnh đó, mắc cài có thể tiếp xúc trực tiếp làm ảnh hưởng đến môi, má hay lưỡi. 

  5.3. Cần đến nha khoa thường xuyên

Khách hàng nếu lựa chọn niềng răng với mắc cài kim loại sẽ cần phải đến nha khoa khá thường xuyên để bác sĩ điều chỉnh lực của dây cung cũng như kiểm tra tiến độ niềng răng. 

6. Quy trình niềng răng với mắc cài kim loại


Quy trình thực hiện niềng răng với mắc cài kim loại bao gồm các bước cơ bản sau:

  6.1. Thăm khám và tư vấn

Ở bước này, bác sĩ sẽ thăm khám tổng quát tình hình sức khỏe răng miệng và tiến hành chụp X-quang để tư vấn loại mắc cài phù hợp với nhu cầu và điều kiện kinh tế của khách hàng. 

  6.2. Lấy dấu răng

Bác sĩ sẽ tiến hành lấy dấu răng bằng thạch cao rồi chuyển tới lòng thiết kế riêng biệt để các kỹ thuật viên chế tác mắc cài kim loại.

  6.3. Gắn mắc cài

Sau khoảng 7 ngày, bác sĩ sẽ hẹn khách hàng đến để gắn mắc cài cố định vào răng.

  6.4. Tháo niềng và đeo hàm duy trì

Sau khi thực hiện xong liệu trình niềng răng kéo dài từ 1.5 đến 2 năm, bác sĩ sẽ tháo niềng răng kim loại và yêu cầu khách hàng đeo hàm duy trì. Dù răng đã dịch chuyển đến vị trí mong muốn nhưng vẫn cần thêm một thời gian để đảm bảo răng vẫn ổn định tại vị trí đó. 

7. Những lưu ý khi niềng răng mắc cài kim loại


Để đạt được hiệu quả cao nhất, cần lưu ý một số điều dưới đây: 

  7.1. Trước khi niềng răng

  -   Kiểm tra phản ứng của cơ thể với kim loại
  -   Xét nghiệm máu để chắc chắn không mắc các bệnh như máu khó đông, tiểu đường, ung thư máu,..
  -   Chụp X-quang và khám tổng quát để bác sĩ nắm được tình hình răng miệng

  7.2. Sau khi niềng răng

  -   Tái khám định kỳ để bác sĩ có thể theo dõi và can thiệp kịp thời nếu có những vấn đề không mong muốn xảy ra
  -   Cần chú ý chăm sóc răng miệng đúng cách để ngăn ngừa các bệnh răng miệng khác xảy ra
  -   Ngay sau khi niềng răng chỉ nên ăn các thực phẩm loãng, mềm để hạn chế lực nhai cho răng

Vậy niềng răng mắc cài kim loại có nhiều loại và mỗi loại có ưu nhược điểm riêng xứng đáng với giá tiền. Dù chi phí niềng răng mắc cài kim loại là khá rẻ nhưng vẫn mang đến hiệu quả niềng răng đúng như mong muốn. Để tiến hành niềng răng với mắc cài kim loại an toàn và đạt được hiệu quả cao, cần cân nhắc lựa chọn nha khoa uy tín cùng với đội ngũ bác sĩ có chuyên môn giỏi.