VN

Tập đánh răng cho bé đúng cách - Ba mẹ phải biết

NỘI DUNG BÀI VIẾT

1. Khi nào nên bắt đầu tập đánh răng cho bé?
2. Lợi ích của việc tập cho bé đánh răng từ sớm
3. Tập đánh răng cho bé như thế nào?
4. Khuyến khích bé hình thành thói quen chăm sóc răng miệng

Nhiều phụ huynh vẫn đợi đến khi trẻ mọc đủ răng thì mới bắt đầu tập cho bé đánh răng. Tuy nhiên, nên hình thành cho trẻ thói quen giữ vệ sinh răng miệng thật sạch từ lúc mọc chiếc răng đầu tiên. Đến khi cảm thấy con đã sẵn sàng, có thể tạo điều kiện cho bé tự đánh răng dưới sự quan sát của ba mẹ. Việc hình thành ý thức chăm sóc răng miệng từ sớm sẽ giúp trẻ tránh được một số bệnh răng miệng phổ biến như sâu răng, sún răng.

1. Khi nào nên bắt đầu tập đánh răng cho bé?


Trên thực tế, không phải khi bé mọc đủ răng thì mới cần đánh răng mà ngay từ những chiếc răng đầu tiên ba mẹ đã có thể tập cho bé hình thành thói quen này. Kể cả khi bé chưa mọc răng, ba mẹ cũng nên giúp bé vệ sinh răng miệng để con quen với cảm giác khoang miệng được sạch sẽ sau mỗi bữa ăn. Một số mốc thời gian chăm sóc răng miệng cho bé có thể kể đến như sau: 

  1.1. Trẻ sơ sinh

Do chưa mọc chiếc răng nào nên trong giai đoạn này, ba mẹ chỉ cần dùng khăn mềm thấm nước muối loãng để nhẹ nhàng lau phần nướu cho con mỗi ngày. 

  1.2. Từ 4-7 tháng tuổi

Khi xuất hiện chiếc răng đầu tiên, ba mẹ có thể vệ sinh răng miệng cho bé mỗi ngày 2 lần như cách trên và thay nước muối loãng bằng một ít kem đánh răng có chứa flour. Lưu ý chỉ dùng 1 lượng kem đánh răng với kích thước bằng hạt gạo.

  1.3. Từ 8-12 tháng tuổi


Khoảng thời gian 6 tháng kể từ khi bé mọc chiếc răng đầu tiên là thời điểm mẹ nên đưa bé đến nha khoa để kiểm tra và chăm sóc răng miệng. Khi bé mọc 2 chiếc răng gần nhau, mẹ có thể dùng chỉ nha khoa để vệ sinh kẽ răng. 

  1.4. Từ 1-2 tuổi

Ở độ tuổi này, có thể tập cho trẻ tự chải răng dưới sự quan sát của ba mẹ nếu bé có hứng thú. Sau khi trẻ hoàn thành, hãy chỉ cho bé những điểm còn chưa đúng và chải răng lại cho bé nếu cần thiết.

  1.5. Khoảng 3 tuổi

Lúc này, bé đã có thể sử dụng kem đánh răng có chứa flour để hỗ trợ việc vệ sinh răng miệng được hiệu quả hơn. Tuy nhiên, lượng kem đánh răng sử dụng lúc này cũng chỉ với kích thước của hạt đậu.

2. Lợi ích của việc tập cho bé đánh răng từ sớm


Giúp bé tập đánh răng từ sớm sẽ mang lại những lợi ích sau:

  2.1. Giúp ích cho quá trình mọc răng sữa

Ngay khi mọc những chiếc răng đầu tiên, việc vệ sinh răng miệng cho bé mỗi ngày là vô cùng quan trọng. Đặc biệt khi bé bắt đầu quá trình ăn dặm, chải răng sau mỗi bữa ăn sẽ giúp loại bỏ đi mảng bám còn tồn đọng trên răng gây hại cho sức khỏe. Do đó, việc hình thành cho bé thói quen chải răng sau mỗi bữa ăn, trước và sau khi đi ngủ giúp ích rất nhiều cho quá trình mọc răng sữa, đảm bảo rằng sẽ không gặp phải tổn thương nào do vi khuẩn tấn công. 

  2.1. Ngăn chặn được nhiều bệnh lý răng miệng

Trên thực tế, phần lớn các vấn đề sức khỏe liên quan đến răng miệng đều xuất phát từ việc chải răng không đúng cách. Nếu không được vệ sinh thật sạch, vi khuẩn sẽ tích tụ ngày càng nhiều bên trong các mảng bám trên răng, từ đó chúng sẽ có cơ hội thuận lợi để tấn công trực tiếp vào men răng gây sâu răng, sún răng. 

3. Tập đánh răng cho bé như thế nào?


Ba mẹ có thể tham khảo các bước sau để tập cho bé đánh răng: 

Bước 1

Cho bé súc miệng với nước để làm sạch khoang miệng

Bước 2

Lấy một lượng kem đánh răng bằng hạt đậu cho lên bàn chải

Bước 3

Hướng dẫn bé đặt bàn chải nằm ngang, đầu lông tiếp xúc với răng. Đánh mặt ngoài bằng cách xoay tròn bàn chải và đánh mặt trong theo thứ tự từ trên xuống dưới. Đánh mặt nhai bằng cách đặt lông bàn chải song song với mặt nhai của răng, sau đó chải nhẹ nhàng từ trong ra ngoài.

Bước 4

Vệ sinh mặt lưỡi bằng bàn chải từ trong ra ngoài hoặc có thể hướng dẫn bé dùng dụng cụ chuyên dụng để vệ sinh lưỡi nhằm loại bỏ mùi hôi của hơi thở.

Bước 5

Súc miệng thật kỹ lại bằng nước sạch để loại bỏ cặn bẩn và kem đánh răng trong khoang miệng. 

4. Khuyến khích bé hình thành thói quen chăm sóc răng miệng


Nên lưu ý một số điều sau đây để giúp bé hứng thú với việc đánh răng mỗi ngày.

  4.1. Đồng hành cùng bé

Khi mới bắt đầu tập đánh răng, ba mẹ nên đánh răng cùng bé để tạo không khí vui vẻ cho hoạt động này mỗi ngày. Bên cạnh đó, ba mẹ nên hướng dẫn nhẹ nhàng, kiên nhẫn và cụ thể để bé có thể dễ dàng học theo và cần đảm bảo bé không phải sợ đánh răng về sau vì ba mẹ quát mắng hay lần đầu đánh răng bị đau. 

  4.2. Cho bé tự do lựa chọn kem và bàn chải đánh răng

Việc để cho bé tự lựa chọn bàn chải, cốc đánh răng sẽ giúp bé hứng thú và có ý thức giữ gìn đồ dùng hơn. Bàn chải đánh răng cho bé cần đáp ứng đủ các tiêu chí gồm: Lông mềm, đầu tròn và kích thước phù hợp với khuôn miệng. Bên cạnh đó, bàn chải có màu sắc sặc sỡ cùng hình dáng ngộ nghĩnh hay nhân vật hoạt hình sẽ giúp bé cảm thấy hào hứng hơn đối với việc đánh răng mỗi ngày.

Kem đánh răng phù hợp với trẻ là loại nuốt được, thường có nguồn gốc từ thiên nhiên và chứa hàm lượng flour thấp. Nên để bé lựa chọn mùi vị kem đánh răng mà bé thích, hay ba mẹ có thể lựa chọn một số mùi hương dễ chịu như táo, dâu hoặc chuối.

  4.3. Tạo động lực cho bé

Ba mẹ hãy nói về những điều tốt đẹp, những lợi ích khi đánh răng để con có thể hiểu được tầm quan trọng của vệ sinh răng miệng mỗi ngày. Ngoài ra, có thể giúp bé tưởng tượng về tác hại khi không chải răng để kích thích con chăm chỉ vệ sinh răng miệng theo đúng hướng dẫn. 

Vậy chỉ với những bước và một số mẹo đơn giản, ba mẹ đã có thể tập đánh răng cho bé ngay từ nhỏ để sức khỏe răng miệng của con được bảo vệ tốt nhất. Bên cạnh đó, nên sắp xếp thời gian đưa con đi nha khoa kiểm tra định kỳ để phát hiện và điều trị kịp thời bệnh về răng miệng nếu có.