VN

Nguyên Nhân Và Phương Pháp Điều Trị Răng Có Vết Đen

NỘI DUNG BÀI VIẾT

1. Nguyên nhân khiến răng có vết đen
2. Vì sao nên loại bỏ vết đen trên răng?
3. Cách loại bỏ vết đen trên răng tại nhà
4. Khắc phục răng có vết đen tại Nha khoa
5. Cách phòng ngừa răng xuất hiện vệt đen. 

Tình trạng răng có vết đen xảy ra là do nhiều nguyên nhân và nếu chúng không được loại bỏ kịp thời sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường. Những vết đen ở răng không chỉ khiến bệnh nhân mất đi nụ cười tự tin, trắng sáng mà còn làm tăng nguy cơ xuất hiện các bệnh lý răng miệng khác. Tuy nhiên, có khá nhiều phương pháp để khắc phục tình trạng này ngay tại nhà chỉ với những nguyên liệu có sẵn trong căn bếp hay có thể đến cơ sở nha khoa để điều trị một cách an toàn và hiệu quả bằng công nghệ hiện đại. 

rang-co-vet-den

1. Nguyên nhân khiến răng có vết đen

 Răng xuất hiện vết đen có thể là do những nguyên nhân sau: 

  1.1. Mảng bám cao răng

mang-ba-cao-rang-gay-vet-den-o-rang

Những mảng bám vôi răng ban đầu có màu ngà vàng và hình thành do vụn thức ăn bám lại lâu ngày mà không được loại bỏ đúng cách. Theo thời gian, các mảng bám gặp nhiều yếu tố tác động bên trong môi trường khoang miệng và chúng sẽ dần chuyển sang màu nâu đen gây mất thẩm mỹ. 

  1.2. Sâu răng

Sâu răng là bệnh răng miệng phổ biến do hấp thụ quá nhiều đường và tinh bột mà khi vệ sinh răng không thể làm sạch triệt để. Biểu hiện là răng xuất hiện vết đen nhỏ li ti trên bề mặt răng, vi khuẩn trong các vết đen sẽ tấn công cấu trúc của răng đến khi răng bị hư và không giữ lại được. 

Có 2 tình trạng sâu răng phổ biến là sâu răng khoáng hóa và sâu răng tiến triển. Đối với sâu răng khoang hóa, các vết đen xuất hiện dọc theo đường trũng của mặt nhai, còn với sâu răng tiến triển thì có thêm một vài lỗ thủng trên bề mặt răng ngoài có đáy đen. 

  1.3. Ăn các thực phẩm có màu

Một số loại thức ăn, nước uống sử dụng mỗi ngày khi tiếp xúc với răng thì rất khó để vệ sinh và lâu dần sẽ để lại những mảng bám màu tối. Răng có vết đen thường là do thường xuyên ăn những loại thực phẩm có màu sẫm như cà phê, chè, rượu đỏ,...

 1.4. Hút thuốc lá

Trong thuốc lá có chứa những thành phần độc hại làm ảnh hưởng đến các tế bào niêm mạc trong khoang miệng và đó cũng là nguyên nhân hình thành những vết đen trên răng. Bên cạnh đó, khói thuốc lá cũng là nguyên nhân phổ biến nhất khiến hơi thở ở nam giới có mùi. 

 1.5. Do mão răng sứ

Mão răng sứ có chức năng phục hình về mặt hình dáng, màu sắc, kích thước và cả chức năng cho một chiếc răng thật nếu chúng bị hư hỏng. Bên cạnh đó, khi cần thiết, răng sứ cũng là sự lựa chọn hàng đầu để nâng cao thẩm mỹ cho hàm răng. 

Khi bọc răng sứ, răng thật phía dưới sẽ được mài cùi theo một tỉ lệ xác định để làm giá đỡ cho mão răng sứ phía trên. Mão răng sứ sẽ được gắn chặt vào vị trí giúp che phủ hoàn toàn phần răng nằm trên nướu. Với những loại mão răng sứ được làm bằng kim loại thì sau một thời gian sẽ bị oxi hóa dẫn đến tình trạng phần răng sát lợi bị đen. 

  1.6. Do thuốc kháng sinh 

Thuốc kháng sinh có thể tác động tới mô răng, thành phần thuốc sẽ ngấm vào cùi răng khiến răng bị xỉn màu. Do đó, việc sử dụng thuốc kháng sinh trong thời gian dài cũng là nguyên nhân khiến trên răng có vết đen. 

2. Vì sao nên loại bỏ vết đen trên răng?

Nếu  trong thời gian ngắn và được xử lý, điều trị kịp thời thì sẽ không gây ảnh hưởng gì nhiều, nhưng nếu không thì sẽ dẫn tới nhiều ảnh hưởng không tốt:

  2.1. Vết đen ở răng gất thẩm mỹ

Trường hợp vết đen xuất hiện ở mặt trong của răng hay ở hàm dưới thì cũng ít gây chú ý đến người đối diện. Nhưng nếu vết đen xuất hiện ở hàm trên thì rất dễ dàng bị nhận ra. Điều này khiến người mắc phải cảm thấy không tự tin khi giao tiếp hay nở nụ cười. 

  2.2. Răng có vết đen khiến hơi thở có mùi

Những mảng đen trên răng là nơi sinh sôi và phát triển lý tưởng của vi khuẩn trong khoang miệng và vi khuẩn kỵ khí là nguyên nhân hàng đầu gây ra mùi hôi của hơi thở. 

  2.3. Viêm nướu, viêm nha chu

Các loại vi khuẩn trong những vết đen sẽ tấn công và phá hủy dần men răng và làm tổn thương đến nướu. Khi nướu bị tổn thương đến mức độ nào đó sẽ bị viêm nhiễm và nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn tới viêm nha chu. 

  2.4. Làm tụt nướu, tiêu xương, mất răng

Những vết đen bám lâu ngày trên răng sẽ làm đứt gãy những liên kết giữa nướu và thân răng, từ đó gây ra tình trạng tụt nướu chân răng. Ngoài ra, những vết đen có thể phát triển tấn công xương hàm gây tiêu xương, lâu ngày không điều trị sẽ dẫn tới mất răng. 

3. Cách loại bỏ vết đen trên răng tại nhà

Có thể khắc phục tình trạng răng có vết ố đen ngay tại nhà bằng các phương pháp sau đây:

  3.1. Sử dụng chanh

Lượng axit citric có trong quả chanh có thể khiến các mảng bám trên bề mặt răng mềm ra, từ đó có thể dễ dàng bị loại bỏ, mang đến sự trắng sáng cho hàm răng.

Thực hiện phương pháp này bằng cách vắt lấy nước cốt chanh tươi, dùng bàn chải thấm nước cốt chanh r chà nhẹ để dung dịch tiếp xúc đều với tất cả bề mặt răng và kẽ răng. Cuối cùng súc miệng thật sạch với nước trắng. 

Lưu ý: Chỉ nên áp dụng 1 lần/ 1 tuần để tránh làm hỏng men răng.

  3.2. Dùng baking soda loại bỏ vết đen ở răng

Baking soda cũng có tác dụng giúp răng trắng sáng hơn. Baking soda có thể loại bỏ các vết đen trên răng vì có thể ăn mòn cao răng và làm chúng mềm ra, đồng thời tạo môi trường kiềm và ức chế sự phát triển của các loại vi khuẩn khác. 

Với phương pháp này, có thể dùng bàn chải thấm trực tiếp baking soda rồi chà đều lên răng hoặc trộn một ít baking soda với nước chanh rồi dùng hỗn hợp để chải răng như bình thường.

Chỉ nên áp dụng 1 lần/ 1 tuần vì baking soda cũng có hại với men răng nếu sử dụng quá nhiều.

  3.3. Sử dụng muối ăn

Muối vừa có tác dụng làm sạch vừa giúp diệt khuẩn môi trường khoang miệng, từ đó ngăn chặn được sự phát triển của nhiều bệnh lý răng miệng.

Với phương pháp này, có thể rắc trực tiếp lên bàn chải đánh răng hoặc hòa tan muối cùng một ít nước cốt chanh và chải răng bằng hỗn hợp này trong vài phút để làm sạch răng. 

  3.4. Sử dụng vỏ quýt khô 

Sử dụng vỏ quýt khô cũng là một trong những phương pháp khá phổ biến giúp khắc phục tình trạng răng có vết đen. 
Để thực hiện phương pháp này cần trộn một lượng vỏ quýt khô đã xay mịn với kem đánh răng và dùng hỗn hợp để đánh răng như bình thường. 

Có thể áp dụng phương pháp này 3-4 lần/ 1 tuần để giúp răng trắng sáng hơn. 

4. Khắc phục răng có vết đen tại Nha khoa

Nếu những vết đen trên răng là quá nhiều khiến việc áp dụng những phương pháp làm sạch tại nhà không mang lại hiệu quả thì cần đến nha khoa để làm trắng răng một cách chuyên nghiệp:

  4.1. Lấy cao răng

Phương pháp lấy cao răng được thực hiện với trường hợp các vết đen trên răng là cao răng. Tại các nha khoa hiện nay, quá trình lấy cao răng được thực hiện bằng công nghệ hiện đại nên sẽ không gây đau đớn gì trong suốt quá trình thực hiện. Các bác sĩ chỉ sử dụng độ rung của máy để cao răng tự vỡ ra mà không làm tổn thương đến mô răng hay nướu xung quanh. 

  4.2. Tẩy trắng răng

Trường hợp răng bị đen từ phần ngà bên trong ở kẽ răng hay đen ở mặt phía trong răng do các yếu tố nội sinh như nhiễm màu tetra, màu thuốc gây ra thì bác sĩ thường sẽ chỉ định phương pháp tẩy trắng răng

Phương pháp tẩy trắng răng thường cần sự kết hợp của thuốc tẩy trắng và đèn laser để cho ra kết quả tốt nhất. Với sự phát triển của công nghệ hiện tại thì ánh sáng laser đã được nâng cấp rất nhiều, giúp tiết kiệm thời gian chờ đợi của khách hàng, chỉ sau khoảng 2 giờ là những vết đen đã bị đánh bay. 

  4.3. Trám răng

Đối với những trường hợp răng bị đốm đen do sâu răng nhẹ, trám răng sẽ là phương pháp được chỉ định để làm răng trắng sáng trở lại. 

Trám răng là một kỹ thuật nha khoa khá đơn giản, sau khi nạo sạch phần mô răng bị sâu, những lỗ hổng trên răng sẽ xuất hiện và chúng sẽ được lấp đầy bằng vật liệu chuyên dụng. Răng sau khi trám sẽ có hình dạng và chức năng y hệt như ban đầu, không gây khó chịu hay cản trở trong quá trình ăn nhai.

  4.4. Bọc răng sứ

Đối với trường hợp răng sâu quá nặng, đã lan rộng và ảnh hưởng đến tủy răng thì không thể thực hiện trám răng. Vì những vết trám lớn không thể nào bám dính một cách chắc chắn vào răng nên rất dễ bị bong tróc ra khỏi vị trí trám do va chạm hoặc do kích thích từ lực nhai. Lúc này, vi khuẩn sẽ lại có cơ hội tấn công vào các lỗ sâu cũ và gây bệnh cho răng. Đối với trường hợp này, bác sĩ sẽ khuyên bệnh nhân nên bọc răng sứ để điều trị sâu răng cũng như làm trắng răng được hiệu quả nhất. 

5. Cách phòng ngừa răng xuất hiện vết đen

Việc hình thành những thói quen chăm sóc răng miệng hằng ngày và chú ý đến chế độ ăn uống khi muốn ngăn ngừa tình trạng răng có vết đen là rất quan trọng: 

  5.1. Vệ sinh răng miệng

Nên chải răng bằng bàn chải lông mềm tối thiểu 2 lần/ 1 ngày để loại bỏ những mảng bám thức ăn trên bề mặt răng và nên dùng kem đánh răng chứa Flour để giúp răng chắc khỏe hơn. Bên cạnh đó, sử dụng chỉ nha khoa và nước súc miệng để loại bỏ triệt để vụn thức ăn có trong những kẽ răng nơi mà bàn chải không tiếp xúc tới được. 

  5.2. Bổ sung trái cây 

Trong trái cây chứa nhiều chất dinh dưỡng, chất xơ cần thiết cho cơ thể nên sẽ giúp loại bỏ các mảng bám trên răng một cách hiệu quả. Các loại quả như táo, dâu tây, mía,... giúp hạn chế sự tích tụ của thức ăn trên răng và ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn. 

Vậy những vết đen trên răng hình thành từ nhiều nguyên nhân và nếu không được điều trị nhanh chóng có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe răng miệng. Tuy có nhiều phương pháp để đánh bay các vết đen ngay tại nhà với những nguyên liệu đơn giản nhưng trường hợp răng có vết đen quá nhiều, lâu năm thì vẫn cần đến nha khoa để loại bỏ một cách chuyên nghiệp.