Niềng răng là phương pháp chỉnh nha rất phổ biến ngày nay nhờ vào sự hiệu quả khi khắc phục một số khuyết điểm trên răng và tình trạng sai lệch khớp cắn từ nhẹ đến nặng. Dù mang đến nhiều lợi ích về tính thẩm mỹ và sức khỏe răng miệng, có nên niềng răng hay không vẫn phụ thuộc nhiều vào tình trạng răng miệng và khách hàng cũng cần phải đáp ứng một số điều kiện nhất định để thực hiện giải pháp này.
1. Có nên niềng răng không?
Niềng răng là phương pháp chỉnh nha thẩm mỹ giúp khắc phục tình trạng răng bị hô, móm, lệch lạc, khấp khểnh,… một cách hiệu quả, việc niềng răng mang đến những lợi ích sau:
1.1. Cải thiện thẩm mỹ
Nhờ lực siết của khí cụ chỉnh nha giúp răng dịch chuyển về đúng vị trí trên khung hàm mà chỉ sau 1-2 năm, khách hàng đã có thể sở hữu nụ cười với hàm răng đều, đẹp. Bên cạnh đó, niềng răng cũng giúp khắc phục sai lệch khớp cắn, làm khuôn mặt trở nên cân đối, hài hòa.
1.2. Khôi phục chức năng ăn nhai
Niềng răng giúp nắn chỉnh lại khớp cắn, từ đó việc nghiền nát thức ăn cũng trở nên dễ dàng hơn. Khách hàng sẽ không cần phải lo lắng khi muốn thưởng thức các loại thực phẩm quá dai hoặc quá cứng sau khi kết thúc quá trình chỉnh nha.
1.3. Ngăn ngừa được nhiều bệnh lý răng miệng
Việc răng mọc xô lệch, khấp khểnh thường khiến việc vệ sinh răng miệng trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, gây hôi miệng, sâu răng, viêm nướu,… Vì vậy, nhờ có thể mang đến hàm răng đều đẹp mà niềng răng là giải pháp tối ưu giúp ngăn ngừa được nhiều bệnh lý răng miệng.
2. Trường hợp nào có thể thực hiện niềng răng?
Bác sĩ thường sẽ chỉ định niềng răng đối với các trường hợp sau đây:
2.1. Niềng răng hô
Niềng răng hô là một dạng sai lệch khớp cắn mà hàm trên chìa ra hơn so với hàm dưới khiến khuôn miệng bị nhô ra. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng ăn nhai mà còn gây mất thẩm mỹ, khiến nhiều người cảm thấy tự ti.
2.2. Niềng răng móm
Niềng răng móm, hay còn gọi là khớp cắn ngược là dạng sai lệch khớp cắn nghiêm trọng. Khớp cắn chuẩn là khi cắn răng hàm, hàm trên phải ở bên ngoài hàm dưới. Tuy nhiên, những ai bị móm thì hàm trên sẽ nằm thụt vào so với hàm dưới. Răng móm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mỹ khuôn mặt đồng thời cũng làm suy giảm chức năng ăn nhai.
2.3. Niềng răng thưa
Răng bị thưa là tình trạng các răng mọc cách xa nhau trên khung hàm, tạo ra khoảng trống giữa các răng. Nguyên nhân dẫn đến điều này có thể là do kích thước xương hàm quá rộng, do răng mọc ngầm hoặc do thiếu răng bẩm sinh.
Do các khoảng trống thưa răng nên trong quá trình ăn uống thức ăn rất dễ mắc lại vào bên trong, tích tụ lâu dần sẽ hình thành cao răng và làm ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng. Không chỉ vậy, những khoảng hở này còn khiến nụ cười trở nên kém duyên, thiếu tự tin.
2.4. Niềng răng mọc khấp khểnh
Răng mọc khấp khểnh là tình trạng khá phổ biến mà răng có thể mọc chìa ra ngoài, một số mọc thụt vào trong hoặc xoay nghiêng,… nên khi nhìn vào sẽ thấy hàm răng rất lộn xộn và mất thẩm mỹ. Điều này cũng khiến thức ăn rất dễ bị bám vào bề mặt răng vì quá trình vệ sinh răng miệng là rất khó khăn.
2.5. Niềng răng cắn hở
Răng cắn hở là tình trạng hai hàm không cắn được vào nhau. Nguyên nhân là có nhiều thói quen xấu hình thành từ lúc nhỏ như: ngậm mút ngón tay thường xuyên, thở bằng miệng, đẩy lưỡi,…. Khi bị răng cắn hở, kỹ năng phát âm và giao tiếp cũng trở nên kém hơn. Thông thường, khách hàng muốn điều trị răng cắn hở cũng cần mất nhiều thời gian hơn so với các trường hợp khác.
3. Khi nào nên niềng răng?
Trên thực tế, nếu niềng răng được thực hiện vào thời điểm thích hợp sẽ mang lại hiệu quả nhanh chóng, từ đó tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí.
Theo lời khuyên của các chuyên gia, phụ huynh nên cho trẻ thực hiện niềng răng khi phát hiện dấu hiệu mọc bất thường sau khi răng sữa được thay bằng răng vĩnh viễn. Từ đó, giai đoạn khoảng 12-16 tuổi là thời điểm tốt nhất để tiến hành niềng răng.Ở giai đoạn này, răng vĩnh viễn đã mọc đầy đủ, xương hàm chưa thật sự cứng chắc nên thời gian niềng sẽ được rút ngắn. Bên cạnh đó, do răng có thể dịch chuyển dễ dàng nên cảm giác đau nhức cũng ít hơn. Ngoài ra, trẻ có độ tuổi từ 6-7 tuổi trở đi là có thể đến nha khoa để kiểm soát quá trình mọc răng.
Ngoài giai đoạn trên, khách hàng vẫn có thể thực hiện phương pháp niềng răng nếu xương và răng vẫn còn chắc khỏe. Tuy nhiên, cấu trúc xương hàm lúc này đã trở nên cứng chắc hơn và răng cũng đã mọc ổn định nên việc di chuyển vị trí sẽ gặp nhiều khó khăn.
4. Răng khểnh có nên niềng không?
Răng khểnh thuộc nhóm răng nanh, có vai trò cắn xé thức ăn. Răng khểnh có nên niềng không cũng còn phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố. Nếu răng khểnh làm cho nụ cười trở nên duyên dáng và ấn tượng hơn thì khách hàng có thể giữ lại.
Trường hợp nếu răng khểnh bị nhô quá mức, làm thay đổi khớp cắn cũng như gây khó khăn trong quá trình vệ sinh răng miệng thì khách hàng nên tìm đến nha khoa để được bác sĩ thăm khám và đưa ra giải pháp thích hợp, trong đó có niềng răng khểnh.
5. Thời gian niềng răng mất bao lâu?
Với sự phát triển của kỹ thuật niềng răng hiện nay cùng sự hỗ trợ của công nghệ, máy móc hiện đại thì việc niềng răng đã trở nên đơn giản và nhanh chóng hơn so với trước. Thông thường, ca niềng răng trung bình sẽ kéo dài khoảng 1 năm – 1.5 năm. Đối với trường hợp răng bị lệch lạc, hô, móm nặng thì có thể kéo dài từ 2-3 năm. Thời gian niềng răng có thể được rút ngắn và có kết quả nhanh hơn nếu tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên môn.
6. Những vấn đề thường gặp khi niềng răng
Một số vấn đề phổ biến có thể gặp sau khi niềng răng như:
6.1. Khó chịu nhẹ
Để thực hiện niềng răng, khách hàng cần đeo bộ khí cụ chỉnh nha để giúp đẩy răng về vị trí mong muốn. Khí cụ này có thể là hệ thống dây cung, mắc cài truyền thống hoặc là những khay nhựa niềng răng trong suốt hiện đại. Ban đầu, việc đeo niềng răng thường khiến khách hàng cảm thấy khó chịu đôi chút do khoang miệng vẫn chưa thích nghi được. Cảm giác này sẽ giảm dần theo thời gian và không có gì phải lo lắng.
6.2. Tổn thương niêm mạc
Khi khách hàng lựa chọn phương pháp niềng răng truyền thống, hệ thống dây cung, mắc cài sẽ được gắn cố định lên răng. Điều này có thể gây kích thích niêm mạc và làm tổn thương các mô mềm trong khoang miệng. Một trong những cách phổ biến giúp khắc phục tình trạng này là sử dụng sáp chỉnh nha.
6.3. Đau răng
Đau răng là biểu hiện không thể tránh khỏi trong quá trình niềng răng vì răng sẽ phải chịu tác dụng lực từ khí cụ chỉnh nha. Những cơn đau này là hoàn toàn bình thường và là dấu hiệu tốt cho thấy răng đang di chuyển như mong muốn.
Vậy có nên niềng răng không còn phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố. Để có câu trả lời thật sự chính xác, bạn nên đến Nha khoa quốc tế BIK để được thăm khám và tư vấn cụ thể dựa theo tình trạng răng miệng của bạn nhé.