Nếu lựa chọn niềng răng truyền thống với hệ thống dây cung, mắc cài được gắn cố định trên bề mặt răng thì việc vệ sinh răng miệng đúng cách như thế nào là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Để mang đến hiệu quả làm sạch tối đa, bạn cần kết hợp sử dụng một số loại dụng cụ chuyên dụng và tiến hành vệ sinh răng miệng ít nhất 3 lần mỗi ngày trong quá trình niềng răng.
1. Cách vệ sinh răng niềng với bàn chải lông mềm
Cách vệ sinh răng niềng với bàn chải lông mềm đó là chải răng ít nhất 3 lần mỗi ngày, đặc biệt là sau khi ăn xong. Nếu lông bàn chải quá cứng sẽ làm nướu răng dễ tổn thương, đồng thời có thể làm ảnh hưởng đến khí cụ niềng răng. Không chỉ vậy, bàn chải lông cứng có độ làm sạch kém hơn vì lông bàn chải không thể len lỏi vào kẽ răng.
Đặt bàn chải trên bề mặt răng với độ nghiêng vừa phải và nhẹ nhàng chải theo chiều dọc của răng hoăc xoay tròn. Chải thật sạch từng mặt của tất cả các răng, bao gồm các vùng phía trên, dưới và giữa mỗi mắc cài.
Sau một thời gian sử dụng, lông bàn chải sẽ bị xơ tua và không còn khả năng làm sạch hiệu quả như lúc ban đầu. Vì vậy nên thay bàn chải định kỳ mỗi 3 tháng 1 lần để đảm bảo răng luôn được vệ sinh một cách kỹ càng, hiệu quả.
2. Vệ sinh răng niềng với kem đánh răng chứa Flour
Kết hợp bàn chải lông mềm cùng kem đánh răng có chứa chất Fluoride sẽ giúp có một hàm răng chắc khỏe trong suốt thời gian niềng răng. Do Flour là chất có chức năng tái khoáng hóa men răng nên sẽ làm liền các vết nứt rất nhỏ trên bề mặt răng và ngăn ngừa các cơn ê buốt. Ngoài ra, kem đánh răng chứa flour cũng có thể ngăn ngừa sâu răng một cách hiệu quả.
3. Vệ sinh răng niềng với chỉ nha khoa
Cách vệ sinh răng niềng với chỉ nha khoa thay cho tăm tre là giải pháp tối ưu nhất giúp loại bỏ triệt để vụn thức ăn còn mắc vào kẽ răng mà không gây tổn thương đến nướu răng.
Lấy một đoạn chỉ nha khoa dài khoảng 30-45cm rồi cuộn 2 đầu chỉ vào 2 ngón giữa. Căng đoạn chỉ bằng ngón cái và ngón trỏ sao cho ở giữa còn một đoạn khoảng 3-5cm. Kéo nhẹ nhàng để sợi chỉ chui lọt vào kẽ răng, sau đó uốn sợi chỉ ôm quanh răng, kéo lên kéo xuống để làm sạch răng. Lặp lại động tác trên ít nhất 2 lần ở mỗi kẽ răng, một lần phía bên phải và một lần phía bên trái.
4. Cách vệ sinh răng khi niềng bằng máy tăm nước
Các chuyên gia đã khẳng định việc vệ sinh răng niềng bằng tăm nước sẽ mang đến hiệu quả làm sạch hơn gấp 3 lần so với bàn chải và chỉ nha khoa thông thường. Dụng cụ này sẽ tạo ra tia nước ở áp suất cao, phun tới các kẽ răng để làm sạch vụn thức ăn, đồng thời có khả năng massage nướu giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn.
5. Vệ sinh răng niềng bằng nước súc miệng
Bên cạnh các dụng cụ trên, bạn có thể kết hợp sử dụng nước súc miệng ở khâu cuối cùng khi thực hiện vệ sinh răng niềng. Điều này sẽ giúp loại bỏ triệt để vi khuẩn ở tất cả các vị trí trong khoang miệng, ngăn chặn bệnh lý răng miệng một cách hiệu quả.
6. Cạo vôi răng định kỳ
Trong quá trình ăn uống, phía dưới chân răng và lợi thường rất dễ bị bám cặn thức ăn, lâu dần sẽ hình thành vôi răng. Vôi răng có kết cấu khá cứng và bám chặt vào thân răng nên bàn chải thông thường không thể loại bỏ hoàn toàn được. Lúc này, biện pháp duy nhất để loại bỏ cao răng và ngăn ngừa một số bệnh lý răng miệng như sâu răng, hôi miệng, viêm nha chu,… là cạo vôi răng tại nha khoa định kỳ mỗi 6 tháng 1 lần.
7. Lưu ý về chế độ ăn uống khi niềng răng
Ngoài việc vệ sinh răng miệng, xây dựng chế độ ăn uống hợp lý giúp bạn ngăn ngừa được những rủi ro bung mắc cài trong suốt quá trình chỉnh nha.
7.1. Không ăn đồ cứng, dai
Thức ăn cứng mà phải dùng lực nhai quá nhiều có thể khiến mắc cài bị bung, dây cung bị tuột hoặc bị cong. Ngoài ra, các vùng mô nha chu quanh răng cũng có thể bị tổn thương nếu tiếp xúc với đồ ăn quá cứng.
Những món dai, dính như kẹo, xôi, các loại hạt, kẹo cao su,… sẽ bám dính rất chặt vào khí cụ niềng răng. Điều này không chỉ khiến bạn cảm thấy khó chịu mà còn khiến quá trình vệ sinh răng miệng trở nên khó khăn hơn. Thậm chí khi đã vệ sinh thật kỹ thì mảng bám vẫn không được loại bỏ hoàn toàn.
7.2. Cắt thức ăn thành từng miếng nhỏ
Khi vừa gắn khí cụ niềng răng, bạn nên cắt thức ăn thành từng miếng nhỏ để dễ nhai hơn và hạn chế rủi ro thức ăn va đập gây hỏng mắc cài. Bên cạnh đó, nhai kỹ, nuốt chậm để lực nhai không bị dồn quá nhiều trên răng cùng một lúc.
7.3. Uống nhiều nước
Khí cụ niềng răng có thể khiến khoang miệng trở nên khô hơn bình thường và tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển. Chính vì vậy, hãy luôn giữ cho khoang miệng luôn ẩm ướt bằng cách uống nước đầy đủ và đều đặn. Không chỉ bảo vệ sức khỏe răng miệng, việc uống nhiều nước còn rất tốt cho sức khỏe tổng thể.
7.4. Ăn thức ăn mềm
Thức ăn mềm sẽ cần ít lực ăn nhai hơn và không gây va chạm mạnh trong khoang miệng nên sẽ rất phù hợp với người niềng răng.
Vậy việc vệ sinh răng miệng đúng cách khi niềng răng là rất quan trọng để giúp bạn giữ được hàm răng chắc khỏe trong suốt quá trình chỉnh nha cũng như sau khi tháo khí cụ niềng răng. Bên cạnh đó, bạn cũng nên lưu ý xây dựng thói quen ăn uống đúng cách để ngăn ngừa được những rủi ro không mong muốn.