Việc đặt thun tách kẽ răng thường sẽ rất cần thiết đối với trường hợp răng hàm khít sát với nhau và không đủ khoảng trống để đặt band niềng răng. Thun tách kẽ sẽ giúp tạo ra một khoảng cách nhất định giữa hai răng hàm theo như sự tính toán của bác sĩ sao cho band niềng gắn được vào một cách dễ dàng mà không gây khó chịu cho bệnh nhân.
1. Thun tách kẽ có mấy loại?
Thun tách kẽ là những vòng tròn cao su hơi nhỏ hoặc những thanh kim loại hình chữ nhật gắn vào các kẽ răng số 5, 6 hoặc 7. Khi sử dụng, bác sĩ sẽ dùng dụng cụ nha khoa chuyên dụng để đưa thun vào giữa kẽ răng. Thun tách kẽ sẽ giúp nới rộng khoảng cách giữa 2 răng, tạo không gian vừa đủ để đặt band niềng răng, giúp rút ngắn được khá nhiều thời gian của quá trình chỉnh nha sau này.
Có 2 loại thun tách kẽ là thun cao su và thun kim loại nhưng thông thường bác sĩ sẽ sử dụng thun cao su vì nó không gây cảm giác khó chịu cho người đeo.
1.1. Thun tách kẽ cao su
Đây là loại thun được làm từ nhựa cao su nguyên chất, tự nhiên 100% và không sử dụng các chất độc hại, hoàn toàn lành tính đối với cơ thể con người.
Màu sắc chủ yếu của loại thun này là màu xanh, hơi nhỏ và cứng. Vì được làm từ cao su nên khi nhét vào kẽ răng, chúng sẽ tạo một khoảng hở vừa đủ giữa hai răng như mong muốn của bác sĩ bằng lực đàn hồi tự nhiên. Khi đạt đến khoảng cách cần thiết thì chúng sẽ tự rơi ra ngoài nên khách hàng không cần lo lắng là phải đeo chúng trong khoảng thời gian dài.
1.2. Thun tách kẽ kim loại
Loại này được làm từ kim loại, có hình dạng chữ L với lớp lò xo bên trong. Chất liệu kim loại này cũng rất an toàn, lành tính với cơ thể nên sẽ không gây bất kỳ kích ứng nào khi tồn tại trong khoang miệng.
Thun tách kẽ kim loại được sử dụng ít phổ biến hơn thun cao su, chỉ được áp dụng trong các trường hợp cần tách kẽ trong thời gian dài (từ 6 tuần trở lên). Sau khi đạt khoảng trống cần thiết chúng không tự động rơi ra ngoài mà khách hàng cần đến nha khoa để được xử lý như lời dặn của bác sĩ.
Lý do khác khiến thun tách kẽ kim loại ít được sử dụng hơn là chúng có thể gây tổn thương cho mô mềm, phần má trong, lưỡi,… khi ăn nhai, sinh hoạt mỗi ngày.
2. Tại sao phải đặt thun tách kẽ?
Trên thực tế, có nhiều trường hợp các khe răng quá khít nhau dẫn đến việc không đủ khoảng trống để gắn band niềng răng
(khâu niềng răng). Các band này sẽ được gắn cố định tại vị trí răng số 6 hoặc số 7 để phục vụ cho quá trình niềng răng, rút ngắn thời gian điều trị vì tạo ra lực siết mạnh.
Đối với trường hợp trên, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện đặt thun tách kẽ để tạo ra khoảng cách vừa đủ giữa các răng, hỗ trợ việc gắn các khâu vào răng hàm dễ dàng hơn mà không gây đau đớn, khó chịu cho bệnh nhân.
Nếu răng đã đủ khe thưa, hoàn toàn đặt được band niềng răng mà không gặp khó khăn gì thì việc đặt thun tách kẽ là không cần thiết nữa. Vì vậy, để biết được bản thân có cần đặt thun tách kẽ hay không, khách hàng nên đến nha khoa để được thăm khám và đưa ra phương án điều trị tốt nhất.
3. Các cách đặt thun tách kẽ an toàn
Thun tách kẽ có thể được đặt vào trong kẽ răng với 2 cách sau:
3.1. Sử dụng chỉ nha khoa
– Bước 1: Xâu thun qua 1 đoạn chỉ nha khoa.
– Bước 2: Gập đôi đoạn chỉ nha khoa đã xâu thun.
– Bước 3: Luồn đoạn chỉ vào giữa khe răng cần đặt thun.
– Bước 4: Từ từ kéo chỉ nha khoa về một phía lại cho tới khi thun tách kẽ nằm vào bên trong kẽ răng.
– Bước 5: Rút chỉ nha khoa khỏi răng.
3.2. Sử dụng kiềm
– Bước 1: Sử dụng kiềm phân tách nha khoa để kẹp 2 đầu thun.
– Bước 2: Tách kiềm ra để kéo giãn thun tách kẽ về hai phía làm cho dây thun mỏng hơn và dễ dàng luồn vào giữa kẽ răng.
4. Đặt thun tách kẽ răng mất bao lâu?
Đặt thun tách kẽ sẽ được thực hiện trong thời gian nhanh chóng và việc dùng dụng cụ đưa thun vào kẽ răng chỉ mất vài giây. Thông thường, việc đặt thun cho cả hàm trên và hàm dưới cũng như kiểm tra lại thun sau khi đặt cũng chỉ mất khoảng 5 phút. Người chuẩn bị niềng răng cần mang thun tách kẽ ở giữa kẽ răng trong thời gian ít nhất 5 – 7 ngày để đảm bảo kẽ răng được tách rời ra.
Tuy nhiên, cơ địa mỗi người là khác nhau nên nếu trường hợp răng quá cứng chắc, chậm dịch chuyển thì sau 1 tuần, nha sĩ sẽ tháo bỏ thun cũ và đặt thun khác vào thay thế, đến khi khoảng cách răng đạt được như mong muốn thì mới gỡ bỏ.
5. Đặt thun tách kẽ có đau không?
Trên thực tế, thun tách kẽ là một vật thể lạ nên khi đưa vào giữa hai kẽ răng vốn sát khít nhau thì chắc chắn sẽ gây ra sự khó chịu ngay lập tức. Cảm giác sẽ tương tự như khi bị mắc thức ăn vào kẽ răng.
Tuy nhiên sẽ có cảm giác không thoải mái nhưng bản chất thun tách kẽ không gây tổn thương răng hay niêm mạc – nướu, nên việc đặt thun sẽ không gây đau đớn như nhiều người tưởng tượng. Khi khoảng cách kẽ răng giãn dần, cảm giác khó chịu cũng sẽ giảm dần.
6. Cách giảm đau sau khi đặt thun tách kẽ
Để giảm cảm giác khó chịu, cộm cấn sau khi đặt thun tách kẽ, khách hàng có thể áp dụng một vài cách sau:
– Chườm đá: Khách hàng có thể sử dụng 1 túi chườm đựng đá viên để chườm lên vùng răng đặt thun khoảng 10 phút. Hơi lạnh từ đá sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu lên nhanh chóng.
– Uống thuốc giảm đau: Một số loại thuốc trên thị trường hiện nay sẽ giúp làm giảm cảm giác khó chịu một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, khách hàng chỉ nên sử dụng thuốc khi có sự chỉ định của bác sĩ mà không nên tự ý mua hoặc dùng thuốc để đảm bảo an toàn cho sức khỏe tổng thể.
7. Chăm sóc răng miệng sau khi đặt thun tách kẽ
Sau khi đặt thun tách kẽ, khách hàng cần chú ý hơn trong việc chăm sóc răng miệng để giảm bớt sự khó chịu cũng như không làm rơi hay đứt thun:
– Chải răng bằng bàn chải lông mềm với lực nhẹ nhàng theo vòng tròn, có thể tránh vùng răng đặt thun tách kẽ trong 1-2 ngày đầu tiên.
– Súc miệng với nước muối pha loãng hoặc nước súc miệng chuyên dụng để làm sạch vi khuẩn trong khoang miệng.
– Tránh tình trạng vụn thức ăn còn mắc lại lâu dần gây ra một số bệnh lý răng miệng khác như viêm nướu, sâu răng,…
– Không nên dùng chỉ nha khoa hay máy tăm nước tại vị trí đặt thun.
– Ăn các món ăn mềm, dễ nhai như cháo, súp, sữa chua, sữa tươi,… Đồng thời tránh các món ăn quá dai cứng, giòn, dễ dính răng, quá nóng hoặc quá lạnh.
Vậy việc đặt thun tách kẽ là rất cần thiết đối với một số trường hợp nhất định trước khi chỉnh nha để hỗ trợ việc đặt band niềng răng được diễn ra dễ dàng hơn và không gây khó chịu. Để biết chính xác bản thân có cần đặt thun tách kẽ hay không, khách hàng nên đến cơ sở nha khoa uy tín để được thăm khám và tư vấn về liệu trình điều trị chi tiết hoàn toàn miễn phí.