Viêm nướu răng là bệnh lý răng miệng khá phổ biến mà nguyên nhân chủ yếu là do bệnh nhân thực hiện vệ sinh răng miệng không đúng cách tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển tấn công nướu, răng. Viêm nướu răng có nguy hiểm không còn phụ thuộc vào từng giai đoạn khác nhau, nếu ở giai đoạn đầu thì thường chỉ tạo cảm giác khó chịu đôi chút nhưng nếu đã tiến triển thành viêm nha chu thì sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
1. Viêm nướu răng là như thế nào?
Nướu có nhiệm vụ ôm sát chân răng để bảo vệ các mô nhạy cảm phía bên dưới chân răng, ngăn không cho vi khuẩn xâm nhập làm hại răng. Viêm nướu hay còn được gọi là viêm lợi, là tình trạng phần mềm xung quanh răng bị tổn thương, viêm nhiễm cấp tính hay mạn tính. Tổn thương này trong giai đoạn đầu chỉ xảy ra ở vùng lợi mà không khiến các vùng như xương ổ răng hay dây chằng quanh răng bị ảnh hưởng.
2. Triệu chứng của viêm nướu răng
Viêm nướu răng có thể dễ dàng được nhận biết thông qua các biểu hiện như sau:
– Trên bề mặt răng hoặc tại vị trí giữa răng và nướu xuất hiện những mảng bám cao răng dày đặc.
– Chảy máu ở vùng nướu khi đánh răng hoặc trong khi ăn uống.
– Nướu bị sưng đỏ, đụng nhẹ có thể chảy máu và kèm theo cảm giác đau nhức hay khó chịu.
– Nướu trở nên nhạy cảm với các thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh.
– Răng bị xô lệch do nướu không còn đủ mạnh khoẻ để giữ vững, khoảng cách giữa các răng đột nhiên bị rộng ra.
– Hơi thở có mùi hôi khó chịu.
– Một số biểu hiện khác như phát sốt, mất ngủ, thường xuyên loét miệng,…
3. Nguyên nhân gây viêm nướu
Bệnh nhân bị viêm nướu răng có thể là do các nguyên nhân sau đây:
3.1. Chăm sóc răng miệng không đúng cách
Sau mỗi bữa ăn nếu bệnh nhân không thực hiện vệ sinh răng miệng đúng cách thì cặn thức ăn sẽ còn đọng lại trong khoang miệng cũng như trong các kẽ răng. Các mảng bám này tồn tại trong khoang miệng lâu dần sẽ bị vôi hoá tạo thành cao răng bám dính tại vị trí giữa chân răng và nướu răng. Đây là môi trường sống thuận lợi làm cho vi khuẩn sinh sôi và tấn công đến nướu, răng gây ra viêm lợi.
3.2. Sử dụng thuốc điều trị
Nước bọt là yếu tố giúp bảo vệ nướu và răng khỏi sự tấn công của vi khuẩn gây hại nhưng có nhiều loại thuốc uống điều trị như thuốc chống trầm cảm, lợi niệu, histamin,… khiến nước bọt bị giảm tiết. Khoang miệng bị khô sẽ làm mảng bám và cao răng ngày càng tích tụ, từ đó gia tăng nguy cơ sâu răng, viêm nướu.
3.3. Chế độ dinh dưỡng không hợp lý
Bệnh nhân ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều đường, hoặc ăn thức ăn quá nóng, quá lạnh sẽ dễ gây ra mảng bám trên răng. Ngoài ra, việc thường xuyên sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh viêm nướu tiến triển.
3.4. Mắc bệnh tiểu đường
Nghiên cứu cho rằng phần lớn người mắc bệnh tiểu đường dễ bị mắc các bệnh về nướu, nguyên nhân là đường huyết không được kiểm soát làm cho nguy cơ viêm nướu răng tăng cao. Vì đường huyết cao làm tăng áp lực lên mạch máu, đồng thời làm giảm khả năng vận chuyển chất dinh dưỡng đến mô nướu, khiến nướu dễ bị yếu đi và nhiễm khuẩn.
4. Viêm nướu răng có nguy hiểm không?
Nếu viêm nướu răng không được điều trị kịp thời thì bệnh sẽ nhanh chóng gây ra những ảnh hưởng nguy hiểm như sau:
4.1. Viêm nha chu
Viêm nướu răng nếu không được điều trị ở giai đoạn đầu thì sẽ nhanh chóng tiến triển thành viêm nha chu với các biểu hiện như sau:
– Nướu răng bị chảy máu dù không chịu bất kỳ tác động nào.
– Nướu bị sưng đỏ và nhiều khi sẽ xuất hiện túi mủ.
– Các tế bào của nướu răng bị lỏng lẻo.
– Hơi thở có mùi hôi nặng.
– Các răng bị thưa ra nên chức năng ăn nhai không được đảm bảo.
Ngoài ra, viêm nướu răng có thể dẫn đến những biến chứng rất nguy hiểm khác như: Tiêu xương hàm, tiểu đường, tim mạch, đột quỵ, nguy cơ sinh non ở phụ nữ mang thai.
4.2. Mất răng
Răng sẽ rất dễ bị lung lay do xương ổ răng bị tiêu biến và dây thần kinh chằng ở quanh răng bị giãn ra ở giai đoạn viêm nha chu. Do đó, mất răng có thể coi là biến chứng viêm nướu răng nặng nhất khiến nhiều người lo lắng. Để tránh những ảnh hưởng do mất răng gây ra, bạn có thể thực hiện trồng răng Implant hoặc làm cầu răng sứ sau khi thăm khám tại nha khoa.
4.3. Viêm phổi
Đối với trường hợp lợi bị viêm nhiễm nặng và phổi có vấn đề thì vi khuẩn từ khoang miệng có thể sẽ xâm nhập xuống phổi làm tăng nguy cơ viêm phổi. Do đó, đây là biến chứng vô cùng nguy hiểm nếu như viêm nướu răng không được điều trị dứt điểm.
5. Điều trị và phòng tránh viêm nướu răng như thế nào?
Nhìn chung, viêm nướu răng có thể được nhanh chóng điều trị dứt điểm khi phát hiện kịp thời. Việc điều trị viêm nướu răng chủ yếu là đảo ngược các triệu chứng cũng như ngăn chặn sự tiến triển của vi khuẩn. Ngoài ra, hiệu quả của việc điều trị cũng phụ thuộc vào chế độ chăm sóc răng miệng của bệnh nhân.
Một số phương pháp điều trị viêm nướu có thể kể đến như:
– Cạo sạch vôi răng nhằm loại bỏ môi trường sinh sống của vi khuẩn gây hại cho răng và nướu.
– Đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày đặc biệt là sau mỗi bữa ăn để loại bỏ mảng bám thức ăn.
– Sử dụng bàn chải lông mềm với lực chải vừa phải tránh làm nướu răng bị tổn thương.
– Dùng kem đánh răng chứa flour hỗ trợ răng chắc khỏe.
– Thay thế tăm bằng chỉ nha khoa để loại bỏ vụn thức ăn có trong kẽ răng.
– Duy trì chế độ ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết hỗ trợ tăng đề kháng giúp cơ thể chống lại các loại vi khuẩn gây hại.
– Thăm khám nha khoa định kỳ ít nhất 2 lần mỗi năm để đảm bảo sức khỏe răng miệng được kiểm tra thường xuyên.
Vậy viêm nướu răng có nguy hiểm không phụ thuộc vào giai đoạn tiến triển của bệnh, nếu không được điều trị kịp thời thì không chỉ sức khỏe răng miệng mà sức khoẻ toàn thân cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó, ngay khi phát hiện bệnh viêm nướu, bệnh nhân cần đến cơ sở nha khoa uy tín để được thăm khám tìm ra nguyên nhân, từ đó thực hiện các biện pháp điều trị kịp thời.