VN

Vệ Sinh Răng Miệng Sau Khi Nhổ Răng Khôn

 NỘI DUNG BÀI VIẾT

1. Trường hợp nào cần nhổ răng khôn?
2. Biến chứng sau khi nhổ răng khôn
3. Vệ sinh răng miệng sau khi nhổ răng khôn
4. Lưu ý chế độ ăn uống sau khi nhổ răng khôn


Khoảng thời gian 2 ngày sau khi nhổ răng khôn là lúc răng miệng trở nên rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương, kích thích. Chính vì vậy mà vệ sinh răng miệng như thế nào sau khi nhổ răng khôn luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu nhằm bảo vệ vết thương khỏi những tác động do chải răng và từ đó có thể được phục hồi tốt nhất. 

1. Trường hợp nào cần nhổ răng khôn?

Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định nhổ răng khôn trong các trường hợp sau:

  1.1. Răng khôn mọc lệch, mọc ngầm

Tình trạng răng khôn mọc lệch, mọc ngầm xảy ra khá phổ biến và thường gây ra nhiễm trùng. Từ đó làm những cơn đau nhức, khó chịu xuất hiện thường xuyên và kéo dài khá lâu. 

  1.2. Răng khôn bị sâu

Do nằm ở vị trí trong cùng rất khó để quan sát và vệ sinh nên thức ăn rất dễ bị mắc kẹt ở răng khôn. Dần dần đây sẽ là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và tấn công khiến răng khôn bị sâu.

  1.3. Viêm lợi do mọc răng khôn

Răng khôn thường bắt đầu mọc khi nướu lợi đã phát triển đầy, cứng chắc và không còn đủ khoảng trống nên thường có xu hướng đẩy nướu lên cao. Phần lợi lúc này sẽ bị đau nhức, nếu không được vệ sinh kỹ sẽ hình thành ổ viêm do vi khuẩn từ vụn thức ăn tích tụ lâu ngày gây ra.  

2. Biến chứng sau khi nhổ răng khôn

Do nhổ răng khôn là kỹ thuật đòi hỏi tay nghề bác sĩ khá cao, nếu không cẩn thận có thể sẽ gặp phải những biến chứng sau:

  2.1. Chảy máu

Biến chứng thường gặp phổ biến nhất sau khi nhổ răng khôn là chảy máu tại vị trí nhổ răng. Trường hợp nếu máu chảy nhiều và không thể cầm được trong thời gian dài thì cần đến gặp bác sĩ ngay để xem xét và điều trị.

  2.2. Tổn thương răng số 7


Trường hợp răng khôn mọc nghiêng hay mọc chèn vào răng số 7, nếu kỹ thuật nhổ răng khôn được thực hiện với phương pháp thủ công truyền thống với lực quá mạnh sẽ dễ làm ảnh hưởng đến răng số 7.

  2.3. Nhiễm trùng

Do nhổ răng khôn bản chất là một cuộc tiểu phẫu nên nếu không vệ sinh răng miệng đúng cách thì rất dễ dẫn đến nhiễm trùng vết thương. Nhiễm trùng được nhận thấy rất rõ qua những cơn đau nhức liên tục, triệu chứng sốt cao và xuất hiện dịch vàng tại vị trí vết nhổ. 

3. Vệ sinh răng miệng sau khi nhổ răng khôn

Do sau khi nhổ răng khôn khoang miệng trở nên rất nhạy cảm nên vấn đề vệ sinh lúc này luôn được quan tâm hơn cả nhằm hỗ trợ vết thương nhanh chóng phục hồi. 

  3.1. Lưu ý về vệ sinh răng miệng

Chỉ nên súc miệng  bằng nước sạch hoặc nước súc miệng theo chỉ định của bác sĩ. Lưu ý không nên súc miệng với nước muối sau khi nhổ răng khôn vì có thể làm máu khó đông. Khoảng 2-3 ngày sau khi nhổ răng có thể pha loãng nước muối để làm sạch khoang miệng. 

Sau đó, có thể dùng bàn chải đánh răng nhưng lưu ý không tác động trực tiếp vào vị trí nhổ răng để tránh gây chảy máu. 
Sử dụng bàn chải lông mềm cùng lượng kem đánh răng vừa đủ để không gây bất kì tổn thương nào cho vết mổ.
Làm sạch kỹ phần kẽ răng hay lưỡi tiếp xúc với thức ăn để đảm bảo vi khuẩn được loại bỏ hoàn toàn.

  3.2. Chải răng đúng cách sau khi nhổ răng khôn


   -  Bước 1: Làm sạch khoang miệng trong vòng 30 giây với nước thường hay nước súc miệng để loại bỏ phần nào các vụn thức ăn còn sót lại.

   -  Bước 2: Sử dụng bàn chải lông mềm đánh mặt ngoài bằng cách xoay tròn bàn chải hoặc chải dọc theo chân răng để tránh làm hư hại men răng. Đánh mặt nhai bằng cách đặt lông bàn chải song song với mặt nhai của răng, sau đó chải nhẹ nhàng từ trong ra ngoài.

->> Cần kiểm soát lực vừa đủ và không tác động đến miệng vết thương trong khoảng 1-2 ngày sau khi mổ.

   -  Bước 3: Súc miệng lại thật sạch bằng nước thường để loại bỏ bọt kem đánh răng và vi khuẩn còn sót lại.

4. Lưu ý chế độ ăn uống sau khi nhổ răng khôn


  4.1. Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý

Ngày đầu tiên sau khi mới nhổ răng chỉ nên ăn những thực phẩm mềm, dễ nuốt, không cần dùng lực nhai quá nhiều như bún, cháo, sữa chua,... Sang ngày thứ 2 có thể ăn các loại thức ăn cần sử dụng lực nhai vừa phải như bánh mì mềm, món ăn nhẹ,... nhưng vẫn cần lưu ý cần tránh tác động vào miệng vết thương.

Khoảng 3-4 ngày sau khi mổ là đã có thể ăn uống lại bình thường nhưng cần chú ý vệ sinh răng miệng thật cẩn thận để tránh tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn có trong vụn thức ăn gây ra. Nên xây dựng chế độ dinh dưỡng giàu canxi, vitamin và khoáng chất nhằm hỗ trợ răng chắc khỏe và tăng sức đề kháng giúp vết thương mau lành.

  4.2. Một số loại thực phẩm cần hạn chế


Không ăn đồ ăn chưa được chế biến kĩ càng, quá dai hoặc quá cứng khiến hàm phải hoạt động mạnh và vô tình làm tổn thương đến miệng vết thương

Hạn chế thực phẩm có nhiệt độ quá cao để tránh kích thích vùng tổn thương. Nhiệt độ quá cao sẽ khiến cục máu đông tan ra, làm máu chảy tiếp tục ở vị trí mới nhổ răng

Tránh xa bia rượu, thuốc lá để tránh làm ảnh hưởng đến khoang miệng đang trong tình trạng nhạy cảm

Vậy vệ sinh răng miệng sau khi nhổ răng khôn là vấn đề khá quan trọng cần lưu ý vì đây không phải là công việc dễ dàng. Nếu có bất kỳ biểu hiện nào bất thường trong suốt quá trình chăm sóc vết thương sau khi nhổ răng cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám, tư vấn và khắc phục kịp thời.