VN

Tác Dụng Của Lấy Cao Răng Đối Với Sức Khỏe Răng Miệng

 NỘI DUNG BÀI VIẾT

1. Lấy cao răng là gì?

2. Cao răng có thể gây ra những ảnh hưởng gì?

3. Tác dụng của việc lấy cao răng định kỳ

4. Lấy cao răng có đau không?

5. Bao lâu nên lấy cao răng một lần?

6. Ngăn ngừa hình thành vôi răng như thế nào?

Việc cao răng hình thành và bám chắc giữa nướu và chân răng là tình trạng khá phổ biến đối với nhiều người và gây ra nhiều vấn đề về răng miệng nghiêm trọng. Hiện nay, giải pháp duy nhất để loại bỏ tình trạng này là tiến hành lấy cao răng tại các cơ sở nha khoa. Lấy cao răng tuy là kỹ thuật đơn giản và phổ biến nhưng lại mang đến nhiều tác dụng trong việc ngăn chặn những bệnh lý răng miệng.

1. Lấy cao răng là gì?

Trên thực tế, sau khi ăn khoảng 15 phút nếu răng không được làm sạch thì sẽ để lại một lớp màng mỏng trên bề mặt răng. Lâu dần, lớp màng này sẽ tích tụ theo thời gian và tạo thành cao răng bám chắc ở bề mặt thân răng hoặc dưới mép lợi. 

Vậy vôi răng thực chất là những mảng bám hay vụn thức ăn còn sót lại trong khoang miệng. Dưới sự tác động của vi khuẩn, các mảng bám này sẽ được vôi hóa và thường có màu trắng đục hoặc vàng nhạt. Vôi răng tích tụ trong khoảng thời gian càng lâu thì sẽ dày hơn và màu sắc cũng đậm hơn, đồng thời, đây là môi trường phát triển của các loại vi khuẩn nên sẽ gây ra nhiều vấn đề răng miệng như: viêm nha chu, viêm tủy răng, hơi thở có mùi, chảy máu chân răng,...

Do cao răng bám rất chắc vào bề mặt răng nên lấy cao răng chuyên nghiệp tại nha khoa là biện pháp duy nhất để làm sạch. Lấy cao răng là quá trình bác sĩ dùng dụng cụ chuyên dụng tạo ra độ rung để các mảng bám rơi ra khỏi nướu và thân răng. Đây là một kỹ thuật tương đối cơ bản và đơn giản trong ngành nha nhưng vẫn đòi hỏi sự chính xác và tỉ mỉ của người bác sĩ. 

2. Cao răng gây ra những ảnh hưởng gì?

Cao răng lâu ngày không được loại bỏ có thể gây ra một số ảnh hưởng như: 

  2.1. Gây hôi miệng

Do các loại vi khuẩn ẩn nấp dưới cao răng để phát triển và chờ cơ hội tấn công nướu và răng nên tình trạng hôi miệng do một trong những loại vi khuẩn ấy gây nên là không thể tránh khỏi. Mùi hôi khó chịu này thường không thể loại bỏ chỉ bằng các bước vệ sinh răng miệng cơ bản mỗi ngày. 

  2.2. Gây ra các bệnh lý răng miệng

Vi khuẩn có trong cao răng hoàn toàn có thể dễ dàng làm tổn thương đến răng và nướu của người bệnh. Tình trạng nhẹ nhất mà các loại vi khuẩn này có thể gây ra là viêm nướu và sâu răng. Nếu viêm nướu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn tới viêm nha chu với những biểu hiện như: chảy máu chân răng, ê buốt răng khi ăn uống…

  2.3. Gây mất thẩm mỹ

Cao răng thường có màu vàng nhạt nên sẽ làm mất đi màu sắc tự nhiên của răng, khiến người bệnh mất tự tin khi nở nụ cười hoặc khi giao tiếp.

  2.4. Răng bị lung lay

Trường hợp phần nướu răng bị vi khuẩn tấn công mạnh mẽ và bị tổn thương đến một mức độ nào đó sẽ không còn khả năng giữ được răng, khiến răng bị lung lay và thậm chí là bị rụng răng. 

3. Tác dụng của việc lấy cao răng định kỳ

  3.1. Nâng cao tính thẩm mỹ

Việc lấy cao răng đồng nghĩa với việc các mảng bám không đều màu trên bề mặt răng, việc này giúp răng trở nên trắng sáng, mang đến nụ cười tự tin khi giao tiếp. 

  3.2. Giảm nguy cơ mắc các bệnh lý răng miệng

Trong quá trình làm sạch cao răng, vi khuẩn trong cao răng cũng sẽ được loại bỏ giúp ngăn ngừa sự tấn công của chúng gây nên các bệnh răng miệng như sâu răng, viêm nướu, viêm tủy răng,...

  3.3. Loại bỏ hơi thở có mùi

Lấy cao răng định kỳ giúp loại bỏ hơi thở có mùi một cách hiệu quả vì vi khuẩn gây mùi hôi khó chịu sẽ hoàn toàn được loại bỏ thường xuyên. Do đó, chỉ với việc chải răng đúng cách mỗi ngày sẽ mang đến hơi thở thơm mát cả ngày. 

  3.4. Bảo vệ răng và xương hàm

Do cao răng nằm ở vị trí ở giữa nướu và chân răng nên vi khuẩn rất dễ dàng tấn công phá hủy cấu trúc răng và nướu. Hậu quả nghiêm trọng hơn có thể gặp là viêm nướu, tụt lợi, tiêu xương hàm, răng lung lay hoặc mất răng hàng loạt.

4. Lấy cao răng có đau không?

Với sự phát triển của công nghệ hiện đại, các cơ sở nha khoa ngày nay đều trang bị máy lấy cao răng bằng sóng siêu âm thay cho loại máy cầm tay có móc câu truyền thống. Đây là kỹ thuật tách rời cao răng ra khỏi bề mặt răng hoặc nướu dưới tác động của một lực rung vừa đủ. Cạo cao răng bằng máy siêu âm là hoàn toàn an toàn, không xâm lấn làm tổn hại đến men răng nhưng vẫn đảm bảo loại bỏ tối đa các mảng bám cao răng. Sau khi lấy cao răng, bác sĩ sẽ vệ sinh và đánh bóng răng để mang lại hàm răng trắng sáng tự tin. 

Với những người lấy cao răng lần đầu, việc mảng bám tích tụ quá lâu ngày gây khó khăn trong quá trình thực hiện nên có thể sẽ mang lại cảm giác ê buốt nhưng những lần sau thì cảm giác này sẽ không còn. Ngoài ra, trong quá trình cạo có thể gây chảy máu tùy theo mức độ nhạy cảm và cơ địa của mỗi người. Sau khi lấy cao răng, nên hạn chế sử dụng thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh trong vài ngày để tránh tình trạng ê buốt răng. 

5. Bao lâu nên lấy cao răng một lần?

Mặc dù lấy cao răng mang đến nhiều lợi ích cho răng miệng nhưng không nên tiến hành lấy cao răng liên tục vì răng cần thời gian để tái tạo và ổn định. Vì vậy, nên lấy cao răng theo lịch hẹn định kỳ mà bác sĩ chỉ định với mỗi trường hợp răng miệng.

Đặc biệt, đối với trẻ em dưới 10 tuổi cần phải được kiểm tra sức khỏe răng miệng kỹ càng trước khi tiến hành lấy vôi răng.

  5.1. 6 tháng 1 lần

Thông thường, các chuyên gia khuyến cáo chung tất cả mọi người nên lấy cao răng mỗi 6 tháng 1 lần. Đây là khoảng thời gian thích hợp vì lúc này mảng bám cao răng hình thành chưa quá nhiều gây khó khăn trong quá trình thực hiện, vi khuẩn chưa gây ra những vấn đề cho răng miệng và răng, nướu cũng đã phục hồi lại bình thường từ lần lấy cao răng trước.

  5.2. 3-4 tháng 1 lần

Tùy theo chế độ ăn uống, thói quen vệ sinh răng miệng và cơ địa của mỗi người mà vẫn có những trường hợp được khuyến cáo nên tiến hành lấy vôi răng khoảng 3-4 tháng 1 lần:

- Người hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu, cà phê và các thực phẩm sẫm màu khác

- Người có cấu trúc răng không đều, men răng sần sùi khiến các mảng bám cao răng dễ dàng tích tụ nhanh chóng

6. Ngăn ngừa hình thành vôi răng như thế nào?

Có thể thực hiện kết hợp một số cách sau để ngăn ngừa hình thành vôi răng hiệu quả:

  6.1 Vệ sinh răng miệng đúng cách

Cần đánh răng thường xuyên ít nhất 2 lần mỗi ngày bằng bàn chải lông mềm để làm sạch bề mặt răng, nên kết hợp sử dụng kem đánh răng chứa nhiều flour để giúp răng chắc khỏe. Tuy nhiên, do việc đánh răng sẽ không làm sạch hoàn toàn các vụn thức ăn có trong kẽ răng nên có thể kết hợp dùng chỉ nha khoa và nước súc miệng để loại bỏ triệt để nguyên nhân lớn nhất làm xuất hiện cao răng.

  6.2. Chế độ ăn uống hợp lý

Chú ý không nên ăn quá nhiều đường hoặc tinh bột để hạn chế cao răng hình thành. Nên bổ sung nhiều vitamin, canxi có trong các thực phẩm thiên nhiên giúp tốt cho răng, đồng thời tăng sức đề kháng chống lại các loại vi khuẩn gây hại cho răng miệng.

  6.3. Thăm khám định kỳ

Nên thăm khám nha khoa định kỳ mỗi năm 2 lần để theo dõi tình trạng sức khỏe răng, đồng thời, những mảng bám cao răng sẽ được loại bỏ ngay lập tức để tránh để lại những ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Vậy Nha khoa Quốc tế BIK đã cung cấp những thông tin cần thiết về những ảnh hưởng của cao răng cũng như tác dụng của việc lấy cao răng đối với sức khỏe răng miệng của mỗi người. Với những lợi ích trên, khách hàng nên tiến hành lấy cao răng định kỳ mỗi 6 tháng 1 lần tại các cơ sở nha khoa uy tín để có cho mình một nụ cười tự tin, trắng sáng.