Viêm nha chu là diễn biến nặng hơn của bệnh viêm nướu thông thường khi không được điều trị kịp thời. Chính vì vậy, viêm nha chu nặng rất dễ để nhận biết qua các dấu hiệu như lợi bị sưng đỏ, thường xuyên chảy máu lợi,… Một khi đã phát hiện viêm nha chu thì bạn cần đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và điều trị nhanh chóng để hạn chế xâm lấn răng thật một cách tối đa.
1. Viêm nha chu là gì?
Nha chu là thuật ngữ chỉ tổ chức quanh răng có vai trò nâng đỡ răng, giúp răng tồn tại vững chắc bên trong xương hàm. Tổ chức này bao gồm nướu, xương ổ răng và dây chằng quanh răng.
Viêm nha chu là tình trạng tổ chức trên bị viêm nhiễm và nếu để lâu sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe răng miệng cũng như sức khoẻ tổng thể. Nếu nha chu bị tổnt hương nặng thì nguy cơ mất răng là rất cao. Đồng thời vi khuẩn từ ổ viêm sẽ có thể xâm nhập đến các cơ quan khác như phổi, tim, phế quản,… khiến người bệnh phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe về xương khớp, hô hấp, động mạch vành,…
Bệnh viêm nha chu nặng rất dễ dàng nhận biết qua các dấu hiệu sau đây:
– Nướu bị sưng phồng, có màu đỏ sẫm hoặc đỏ tươi.
– Dễ bị chảy máu nướu.
– Có khoảng trống hoặc túi mủ xuất hiện giữa nướu và răng.
– Răng trở nên dài hơn hoặc lung lay vì lợi bị tụt.
– Cảm giác đau nhức, khó chịu khi ăn nhai.
– Hơi thở có mùi khó chịu.
2. Nguyên nhân dẫn đến viêm nha chu
Viêm nha chu có thể do nhiều nguyên nhân gây nên nhưng chủ yếu là do các mảng bám quanh răng chứa nhiều vi khuẩn, nguyên nhân của tình trạng này là:
– Tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chứa nhiều đường hoặc tinh bột.
– Không tiến hành cạo vôi răng định kỳ khiến mảng bám hình thành dày đặc làm tổn thương đến nướu.
– Chải răng không sạch khiến mảng bám thức ăn tồn tại lâu ngày trong khoang miệng chuyển hoá thành vôi răng.
– Không tích cực điều trị viêm nướu tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn tấn công sâu hơn đến các tổ chức quanh răng.
3. Bệnh viêm nha chu có lây không?
Bệnh viêm nha chu được chia thành 2 giai đoạn là viêm nướu răng và viêm nha chu. Trong đó, viêm nướu là giai đoạn ban đầu và chỉ diễn ra âm thầm, không khiến cho người bệnh cảm giác đau nhức hay khó chịu quá nhiều nên thường ít được chú ý đến.
Bệnh viêm nướu răng không được điều trị kịp thời sẽ tiến triển thành viêm nha chu, những biểu hiện bệnh lúc này sẽ rõ ràng hơn và bệnh nhân cần khắc phục càng sớm càng tốt để bảo tồn được răng thật.
Theo các chuyên gia, viêm nha chu có thể lây lan qua đường nước bọt nên nguy cơ lây lan bệnh lý này giữa các thành viên trong gia đình, sinh hoạt chung với nhau là rất cao. Do đó, khi phát hiện ra những biểu hiện của viêm nha chu thì nên tiến hành thăm khám và điều trị kịp thời để bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng của người khác.
4. Biện pháp khắc phục viêm nha chu
Để xác định tình trạng viêm nha chu là nhẹ hay nặng, bác sĩ sẽ phải tiến hành kiểm tra khoang miệng cũng như độ sâu của túi nha chu, đồng thời chụp phim X-quang để kiểm tra tình trạng mất xương. Từ dữ liệu có được, bác sĩ mới có thể đưa ra phương pháp điều trị hợp lý đối với mỗi trường hợp:
4.1. Khắc phục viêm nha chu nhẹ không cần phẫu thuật
Nếu viêm nha chu không quá nặng, bác sĩ sẽ chỉ thực hiện các biện pháp điều trị ít xâm lấn như:
– Cạo vôi răng để loại bỏ vi khuẩn.
– Bào láng gốc răng để làm mịn bề mặt chân răng để ngăn chặn sự tích tụ của cao răng và vi khuẩn.
– Tiến hành hàn trám răng kết hợp với phục hình thẩm mỹ.
– Có biện pháp cố định cho răng lung lay.
– Nếu không thể giữ được răng, bác sĩ sẽ đánh giá đối với từng trường hợp vụ thể và chỉ định nhổ răng,
– Dùng thuốc sát khuẩn và thuốc chống viêm để kiểm soát vi khuẩn.
4.2. Phẫu thuật điều trị viêm nha chu nặng
Trường hợp viêm nha chu nặng, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp điều trị phẫu thuật như:
– Phẫu thuật giảm túi: Bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ trong nướu để chân răng lộ ra ngoài tạo khoảng trống để thực hiện cạo sạch vôi và bào láng gốc răng hiệu quả hơn.
– Ghép mô liên kết: Bác sĩ sẽ lấy một lượng nhỏ mô ngay trong vòm miệng hoặc từ vị trí khác để lấp đầy vào vị trí mất nướu. Kỹ thuật này giúp giảm che phủ phần chân răng bị lộ ra ngoài và làm tăng tính thẩm mỹ.
– Ghép xương: Trường hợp người bệnh có xương quanh răng bị phá huỷ thì bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp này. Ghép xương giúp ngăn ngừa tình trạng mất răng bằng cách tạo nền tảng, giữ cố định răng.
5. Chăm sóc răng miệng để ngăn ngừa viêm nha chu
– Chú ý thực hiện vệ sinh răng miệng ít nhất 2 lần mỗi ngày để đảm bảo mảng bám trên răng được loại bỏ hoàn toàn.
– Sử dụng bàn chải lông mềm với lực chải vừa phải tránh làm nướu răng bị tổn thương.
– Dùng kem đánh răng có chứa chứa flour để hỗ trợ răng thêm chắc khỏe.
– Thay thế tăm bằng chỉ nha khoa để loại bỏ vụn thức ăn có trong kẽ răng.
– Duy trì chế độ ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết hỗ trợ tăng đề kháng giúp cơ thể chống lại các loại vi khuẩn gây hại.
– Thăm khám nha khoa định kỳ ít nhất 6 tháng một lần để đảm bảo sức khỏe răng miệng được kiểm tra thường xuyên.
Vậy viêm nha chu nặng có thể được nhận biết dễ dàng qua các dấu hiệu mà Nha khoa Quốc tế BIK đã đề cập phía trên. Để bảo vệ sức khoẻ của chính mình cũng như tránh làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của người thân trong gia đình thì bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và tiến hành điều trị kịp thời ngay khi phát hiện bệnh.