Bệnh viêm nha chu là một loại bệnh về nướu với tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến các mô mềm xung quanh răng. Bạn có thể dễ dàng nhận biết bệnh lý này thông qua một số dấu hiệu viêm nha chu và ngay khi phát hiện thì cần đến gặp bác sĩ ngay để được điều trị kịp thời, ngăn chặn các ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đối với sức khỏe răng miệng.
1. Viêm nha chu là như thế nào?
Nha chu là một tổ chức quanh răng bao gồm nướu, xương ổ răng, hệ thống dây chằng và có chức năng chống đỡ, giữ răng tồn tại chắc khoẻ trong xương hàm. Viêm nha chu là bệnh nướu răng gây nhiễm trùng nướu nghiêm trọng đồng thời làm ảnh hưởng đến các mô mềm xung quanh răng.
Trên thực tế, viêm nha chu chính là diễn biến nặng hơn của bệnh viêm lợi phổ biến. Vi khuẩn trong các mảng bám thức ăn sẽ chuyển hoá đường và tạo ra axit gây ăn mòn men răng và sâu răng. Nếu thực hiện đánh răng thường xuyên và dùng chỉ nha khoa đúng cách thì sẽ ngăn ngừa được các vấn đề răng miệng nhưng nếu không được vệ sinh kỹ thì mảng bám sẽ tích tụ dần rồi chuyển hoá thành cao răng. Vi khuẩn trong vôi răng tiếp tục có điều kiện thuận lợi để tấn công gây nhiễm trùng nướu và dẫn đến viêm lợi.
Nếu không điều trị kịp thời, mảng bám sẽ càng lan rộng ra bên dưới đường viền nướu. Lúc này vi khuẩn sẽ tạo ra các chất độc và axit gây viêm nướu mạn tính và một dạng viêm nướu nặng hơn là viêm nha chu. Khi viêm nha chu tiến triển, nướu răng sẽ bị phá vỡ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập tấn công sâu hơn, thậm chí có thể làm mòn xương và khiến răng bị lung lay.
2. Nguyên nhân gây viêm nha chu
Một số nguyên nhân phổ biến gây bệnh viêm nha chu có thể kể đến như:
– Vệ sinh răng miệng không đúng cách làm các mảng bám thức ăn sót lại tích tụ lâu ngày tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
– Không thăm khám nha khoa định kỳ để tiến hành cạo vôi răng và kiểm tra sức khỏe răng miệng tổng quát.
– Thường xuyên sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá.
– Sử dụng tăm hoặc các vật nhọn không đảm bảo vệ sinh xỉa răng, làm viêm nhiễm, chảy máu răng, hở răng,…
– Nội tiết tố bị thay đổi ở phụ nữ khi đang mang thai.
3. Dấu hiệu bị viêm nha chu
Bệnh viêm nha chu có thể biểu hiện bởi các dấu hiệu sau:
3.1. Lợi bị sưng tấy, chảy máu
Ở giai đoạn đầu của bệnh, lợi sẽ bắt đầu có biểu hiện sưng tấy và chảy máu. Biểu hiện này không phải là nhẹ vì nó cho thấy rõ các mô nướu đã bị tấn công và tổn thương. Trong trường hợp tình trạng sưng tấy bị lây lan sang những vùng khác thì có nghĩa là bệnh đang tiến triển rất nhanh sang những giai đoạn sau.
3.2. Loét miệng
Nếu chỉ là những vết loét thông thường thì chỉ cần thời gian ngắn vết thương sẽ lành lại nhưng nếu loét miệng là do nhiễm trùng thì khó lành hơn nhiều. Hơn nữa, tình trạng này tái đi tái lại khiến bệnh nhân thường xuyên cảm thấy đau đớn, khó chịu khi ăn uống.
3.3. Tụt nướu
Tụt nướu là biểu hiệu khá khó để nhận ra nếu bệnh nhân không để ý. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân thường xuyên theo dõi và kiểm tra sức khỏe răng miệng thì có thể dễ dàng cảm nhận được sự khác biệt. Theo thời gian, nướu càng ngày càng bị kéo ra xa răng khiến chân răng ở nên dài hơn.
3.4. Răng lung lay
Khi nướu và các mô mềm khác đều bị tổn thương thì là thời điểm bùng phát của bệnh. Lúc đầu người bệnh sẽ chỉ cảm nhận thấy một răng bị lung lay nhưng sau đó các răng còn lại cũng sẽ bắt đầu lung lay. Nếu không kịp thời khắc phục, người bệnh có thể có nguy cơ mất răng vĩnh viễn.
3.5. Đau đớn khi đánh răng
Lúc này nướu có thể bắt đầu xuất hiện các vết thương hở khiến bệnh nhân cảm thấy đau đớn và thậm chí là bị chảy máu khi đánh răng.
4. Phương pháp điều trị viêm nha chu hiệu quả
Tuỳ vào từng trường hợp nhất định mà bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp sau đây để điểu trị hiệu quả viêm nha chu:
4.1. Điều trị không cần phẫu thuật
Bác sĩ có thể tiến hành xử lý bệnh viêm nha chu theo các cách sau:
– Cạo vôi răng và xử lý phần chân răng.
– Tiến hành chỉnh sửa hoặc thay thế miếng trám kết hợp với phục hình thẩm mỹ.
– Có biện pháp cố định cho răng lung lay.
– Nếu không thể giữ được răng, bác sĩ sẽ đánh giá đối với từng trường hợp vụ thể và chỉ định nhổ răng,
– Dùng thuốc sát khuẩn và thuốc chống viêm.
Lưu ý rằng việc tự ý sử dụng thuốc chống viêm và kháng sinh có thể giúp ổ mủ khỏi tạm thời nhưng bệnh không chấm dứt mà còn tiến triển thành mạn tính, thỉnh thoảng sẽ bộc phát có cơn cấp tính rồi cứ thế tái diễn theo chu kỳ và trở nên nghiêm trọng hơn.
4.2. Điều trị bằng phẫu thuật
Điều trị bằng phẫu thuật sẽ được áp dụng khi đã thực hiện điều trị bằng các biện pháp thông thường nhưng không có tác dụng. Bác sĩ sẽ lựa chọn một trong các phương pháp sau:
– Loại bỏ túi nha chu: Phương pháp này sẽ giúp làm giảm độ sâu của túi nha chu, từ đó việc vệ sinh và làm sạch mảng bám sẽ trở nên dễ dàng hơn.
– Tái tạo: Nếu túi nha chu sâu và có quá nhiều vi khuẩn thì sẽ làm tiêu huỷ thêm xương và mô nha chu, thậm chí răng cũng sẽ lung lay với mức độ nghiêm trọng. Sau khi thực hiện phẫu thuật thì phần xương và mô nha chu được tái tạo lại.
– Ghép mô mềm: Phương pháp này áp dụng với trường hợp chân răng bị lộ do tụt lợi. Phẫu thuật sẽ giúp phục hồi và chấm dứt tụt lợi làm phá huỷ mô lợi cũng như các tổ chức quanh răng.
5. Chăm sóc răng miệng phòng tránh viêm nha chu
Bạn nên lưu ý một số điều sau để phòng tránh hiệu quả bệnh viêm nha chu:
– Đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày đặc biệt là sau mỗi bữa ăn để loại bỏ mảng bám thức ăn.
– Sử dụng bàn chải lông mềm với lực chải vừa phải tránh làm nướu răng bị tổn thương.
– Dùng kem đánh răng chứa flour hỗ trợ răng chắc khỏe.
– Thay thế tăm bằng chỉ nha khoa để loại bỏ vụn thức ăn có trong kẽ răng, chú ý thao tác cẩn thận để tránh nướu răng bị ảnh hưởng.
– Duy trì chế độ ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết hỗ trợ tăng đề kháng giúp cơ thể chống lại các loại vi khuẩn gây hại.
Vậy bạn có thể nhận biết bệnh một cách hoàn toàn dễ dàng dựa trên một số dấu hiệu viêm nha chu mà Nha khoa Quốc tế BIK đã gợi ý phía trên. Ngay khi phát hiện bệnh, bạn nên tìm đến cơ sở nha khoa uy tín để được thăm khám, xác định tình trạng viêm nhiễm cụ thể rồi tiến hành điều trị dứt điểm viêm nha chu để tránh những ảnh hưởng nghiêm trọng về sau.