VN

Cắm vít niềng răng có đau không?

NỘI DUNG BÀI VIẾT

1. Cắm vít niềng răng là gì?
2. Khi nào cần thực hiện cắm vít niềng răng
3. Bắt vít niềng răng có đau không?
4. Quy trình bắt vít niềng răng
5. Bắt vít niềng răng có nguy hiểm gì không?
6. Biện pháp giảm đau hiệu quả sau khi bắt vít niềng răng

Cùng với sự phát triển của các công nghệ chỉnh nha hiện đại, ngày càng có nhiều khí cụ hỗ trợ quá trình chỉnh nha được sử dụng. Trong đó, vít niềng răng là một khí cụ hỗ trợ đặc biệt, đang được sử dụng phổ biến hiện nay. Vậy cắm vít niềng răng là gì? Những trường hợp nào cần cắm vít? Và bắt vít niềng răng có đau không?

1. Cắm vít niềng răng là gì?

Vít (Minivis), một trong những khí cụ chỉnh nha đặc biệt được cấu tạo theo hình xoắn ốc bằng vật liệu Titanium, có kích thước nhỏ (đường kính là 1,4 – 2mm và chiều dài 6 – 12mm). Khi niềng răng, trong một số trường hợp đặc biệt, bác sĩ sẽ đặt vít này vào xương hàm của bạn để tạo điểm neo chặn cố định, giúp các răng còn lại dịch chuyển về đúng vị trí như mong muốn, người ta gọi là cắm vít niềng răng. 

Theo các nghiên cứu đã chứng minh, vít niềng răng với thành phần chế tạo từ Titanium rất an toàn với sức khỏe, tương thích cao, không gây kích ứng hay làm ảnh hưởng đến niêm mạc và các răng xung quanh

  -  Cắm vít niềng răng sẽ tạo lực cho các răng không bị xô lệch về phía trước hoặc phía sau, nhằm cải thiện tình trạng hô và sai khớp cắn sâu.

  -  Trở thành điểm neo vững chắc kết nối với bộ khí cụ, để bác sĩ dễ dàng di chuyển những răng còn lại về đúng vị trí như mong muốn trên cung hàm, đồng thời điều chỉnh khớp cắn chuẩn hơn.

  -  Bắt vít khi niềng răng giúp tăng hiệu quả điều trị và rút ngắn thời gian thực hiện từ 3 – 9 tháng.

  -  Cắm vít niềng răng giúp điều trị cười hở lợi hiệu quả và đơn giản hóa khâu điều trị, hạn chế những biến chứng có thể xảy ra.

2. Khi nào cần thực hiện cắm vít niềng răng

Dưới đây là các trường hợp cần thực hiện bắt vít niềng răng:

1. Răng hô, vẩu:

Những trường hợp răng bị sai lệch nhiều như răng quá vênh, quá vẩu, răng chìa ra ngoài quá nhiều thì việc cắm vít niềng răng sẽ giúp tạo neo cố định, tăng lực kéo mạnh mẽ, hạn chế tình trạng răng bị xô lệch về phía trước và làm giảm độ hô của răng.

2. Răng cười hở lợi:

Việc bắt vít niềng răng trong trường hợp răng bị hở lợi sẽ giúp kéo thế răng thẳng, chỉnh hàm ở tỷ lệ tương đối và giúp khớp cắn về đúng tỷ lệ, cải thiện tính thẩm mỹ cho khuôn mặt.

3. Cung hàm quá cứng:

Nếu xương hàm quá cứng thì việc di chuyển các răng trong quá trình niềng răng sẽ trở nên khó khăn hơn, khó sắp xếp cho răng đều, đẹp. Do đó, cắm vít niềng răng là giải pháp được lựa chọn để kéo khít các khoảng trống của răng bị nhổ, giúp quá trình bồi lấp khoảng trống của cung hàm khi niềng răng diễn ra nhanh hơn, mang lại sự thuận lợi hơn cho quá trình chỉnh nha

4. Mất răng:

Trường hợp bị mất răng quan trọng để niềng răng như răng số 6 cần bắt vít để hỗ trợ quá trình niềng răng diễn ra thuận lợi và nhanh chóng hơn.

3. Cắm vít niềng răng có đau không?

Trước khi tiến hành bắt vít, bác sĩ sẽ gây tê cục bộ. Vì vậy trong quá trình này bạn sẽ không cảm thấy đau, chỉ cảm thấy tê trong khoảng 1 buổi hoặc 1 ngày đầu tiên.
Với người có xương hàm mềm, xốp thì ít đau hơn. Với người có xương hàm cứng thì thường bị đau nhiều, có thể bị sưng má hoặc cọ vít vào niêm mạc gây xước má,... Tuy nhiên, bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh, chống viêm và giảm đau sau khi cắm vít niềng răng nên sẽ làm giảm bớt cảm giác khó chịu cho bệnh nhân.

4. Quy trình cắm vít niềng răng

Quy trình cắm vít niềng răng được xem là khá đơn giản và gọn nhẹ. Bắt vít niềng răng cần diễn ra đúng quy trình và kỹ thuật để giảm đau, giảm nguy cơ biến chứng cho bệnh nhân.

Quy trình cụ thể như sau:

  -  Chụp X-Quang khảo sát cấu trúc xương hàm. Sau đó, bác sĩ bôi tê niêm mạc và tiêm thuốc tê.

  -  Nha sĩ sử dụng các dụng cụ chuyên dụng xoáy vít vào xương hàm, giữ vít ổn định vào xương hàm theo kiểu neo giữ cơ học và ổn định sinh học. Thời gian cắm vít niềng răng sẽ diễn ra khoảng 5 – 10 phút.

5. Cắm vít niềng răng có nguy hiểm gì không?

Về cơ bản, cắm vít niềng răng khá an toàn, mang lại nhiều lợi ích, giúp răng di chuyển theo vị trí mong muốn. Tuy nhiên, quá trình này vẫn có nguy cơ xảy ra một số tình trạng không mong muốn như:

   -  Vít bị rơi sau khi cắm vài ngày: Do các nguyên nhân như mô niêm mạc di động, các chân răng quá sát nhau nên vít cắm sát vào chân răng, cơ địa dị ứng với kim loại,... Khi bị rơi vít, bác sĩ bắt vít lại vào vị trí khác hoặc đợi hết viêm thì bắt lại.

   -  Vít lạc vào chân răng gây đau nhức: Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ di chuyển răng ra một chút để mở rộng khoảng trống hoặc rút vít ra bắt lại.

   -  Ngoài ra, nếu khách hàng vệ sinh chăm sóc răng miệng kém, vít không tương thích có thể xảy ra tình trạng bắt vít bị viêm, sưng tấy nhiều ngày.

6. Cách giảm đau sau khi cắm vít niềng răng

Sau khi cắm vít niềng răng, để hạn chế tối đa sự khó chịu, bạn có thể thực hiện theo một số cách giảm đau sau:

   -  Chườm đá lạnh: Dùng túi đá chườm bên ngoài vùng má tương ứng với vị trí nơi đặt vít niềng răng mà bạn cảm thấy sưng đau. Chườm trong khoảng 15 phút, lặp lại thao đó nhiều lần mang giúp giảm sưng đau cho vùng hàm mặt.

   -  Ăn thức ăn mềm, lỏng, ấm: Để tránh gây tác động mạnh đến vị trí cắm vít, bạn nên lựa chọn những loại thức ăn phù hợp như cháo, súp, bún, sữa tươi, bột yến mạch, ngũ cốc,…

   -  Vệ sinh răng miệng đúng cách: Khi vít đã ổn định, bạn cần vệ sinh quanh vít đúng cách để đảm bảo vít sạch, tránh tích tụ thức ăn gây viêm quanh vít, rụng vít.

   -  Chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý: Sau quá trình bắt vít niềng răng bạn nên có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, giữ tâm trạng luôn thoải mái, tránh tác động mạnh đến vùng răng miệng.

   -  Tuân thủ lời dặn của bác sĩ nha khoa: uống đủ và đúng liều thuốc theo chỉ định để vết thương nhanh chóng hồi phục và rút ngắn thời gian niềng răng hơn.

Cắm vít niềng răng giúp quá trình chỉnh nha được tốt hơn, giúp bạn nhanh chóng sở hữu nụ cười rạng rỡ. Tuy nhiên, không phải trường hợp niềng răng nào cũng cần bắt vít mà tùy thuộc vào tình trạng răng miệng của mỗi người, sẽ trải qua quá trình điều chỉnh nha khác nhau. Do đó, để biết mình có thuộc trường hợp bắt vít niềng răng hay không, hãy tới trung tâm nha khoa uy tín để được thăm khám và điều trị hiệu quả.