Tụt nướu răng là biểu hiện phổ biến của nhiều vấn đề răng miệng hiện nay mà nguyên nhân chính là do vệ sinh răng miệng không đúng cách. Việc nướu răng bị viêm nhiễm sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công gây những ảnh hưởng nghiêm trọng khác. Để ngăn chặn tạm thời những ảnh hưởng này, bạn có thể áp dụng một số cách trị tụt nướu răng tại nhà với các nguyên liệu đơn giản.
1. Biểu hiện tụt nướu răng
Tụt nướu răng thường có biểu hiện khá rõ ràng, phần chân răng sẽ bị lộ ra ngoài do lợi bị mất dần hoặc bị chuyên dần sâu vào bên trong chân răng. Ngoài ra, nướu răng khỏe mạnh thường có màu hồng nhạt nhưng khi đã bị tụt thì thường sẽ có màu đỏ sậm do bị viêm nhiễm.
Thông thường, các biểu hiện của tình trạng tụt lợi sẽ xuất hiện nhỏ lẻ, nhưng sau một thời gian dài sẽ trở nên rõ rệt hơn. Tụt lợi tuy không gây ảnh hưởng quá nghiêm trọng đến sức khỏe ở thời điểm ban đầu nhưng tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm về sau.
2. Nguyên nhân dẫn đến tụt nướu răng
Một số nguyên nhân chính dẫn đến viêm lợi có thể kể đến như:
2.1. Vệ sinh răng miệng không đúng cách
Nhiều người thường có cách chải răng không đúng nên vi khuẩn sẽ không được làm sạch hoàn toàn sau khi ăn uống đồng thời lợi cũng sẽ bị tổn thương nghiêm trọng. Việc đánh răng với lực quá mạnh, chải ngang bề mặt răng là những hành động hoàn toàn không tốt cho nướu răng.
Trên thực tế, đánh răng thôi là chưa đủ, bạn cần thực hiện cạo lưỡi, dùng chỉ nha khoa để loại bỏ triệt để các mảng bám cứng đầu. Đặc biệt bạn cần hạn chế một số thói quen sử dụng tăm xỉa răng, nghiến răng,…
2.2. Viêm nha chu
Đây được xem là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tụt lợi vì khi mô nướu bị viêm nhiễm sẽ trở thành nơi lý tưởng để vi khuẩn phát triển và tấn công. Do đó, ngay khi phát hiện viêm nha chu, bạn cần đến nha khoa để được thăm khám và điều trị càng nhanh càng tốt.
2.3. Di truyền
Theo các thống kê, có đến hơn 30% người thường xuyên mắc các bệnh lý răng miệng dù đã thực hiện vệ sinh đúng cách mỗi ngày, nguyên nhân lúc này có thể kể đến là do cơ địa răng bị nhạy cảm và yếu, không đủ sức chống lại vi khuẩn có hại.
2.4. Rối loạn nội tiết
Nướu lợi và sức khoẻ răng miệng nói chung thường trở nên nhạy cảm hơn khi nội tiết trong cơ thể bị rối loạn, hay đơn giản hơn là môi trường sinh hoá trong cơ thể bị thay đổi thất thường. Tình trạng này thường xảy ra ở phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú khi các hoocmon thay đổi thất thường.
3. Tụt nướu răng có thể gây ra những ảnh hưởng gì?
Tụt nướu có thể xảy ra ở cả hai hàm tại bất kỳ vị trí răng nào nhưng dễ gặp nhất là răng hàm dưới và răng nanh. Còn răng cửa và răng hàm ít bị tụt nướu hơn nhưng nếu có thì sẽ nghiêm trọng hơn nhiều so với ở chân răng. Nướu là bộ phận bảo vệ chân răng để không bị ăn mòn bởi nước bọt nên một khi đã bị tổn thương sẽ gây những ảnh hưởng nghiêm trọng như:
– Mảng bám, cặn thức ăn dễ mắc vào các khe răng dẫn đến việc vệ sinh răng miệng gặp nhiều khó khăn, hơi thở có mùi khó chịu và làm tăng nguy cơ sâu răng.
– Chân răng trở nên nhạy cảm, dễ bị tổn thương do bị vi khuẩn tấn công dẫn đến các tình trạng như ê buốt răng, chảy máu chân răng, viêm tủy răng, tiêu xương ổ răng,…
– Tụt nướu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính thẩm mỹ, gây hở cổ chân răng khiến răng trông trở nên dài hơn, màu sắc không đồng đều.
4. Cách trị tụt nướu răng tại nhà
Khi phát hiện nướu răng bị tụt ở mức độ nhẹ, bạn có thể áp dụng một số cách trị tụt nướu răng đơn giản ngay tại nhà để cảm thấy dễ chịu hơn:
4.1. Sử dụng mật ong
Trong dân gian, mật ong được coi là nguyên liệu tự nhiên có thể chữa bách bệnh, nhất là các bệnh liên quan đến nhiễm trùng, viêm nhiễm. Cách này khá đơn giản, bạn chỉ cần dùng tăm bông thấm một chút mật ong rồi chấm lên phần lợi cần điều trị sau khi chải răng. Để 5 phút rồi súc miệng lại với nước sạch, duy trì làm như vậy mỗi ngày tình trạng tụt nướu sẽ được cải thiện đáng kể.
4.2. Dùng lá trà xanh
Lá trà xanh có chứa hợp chất catechin có tác dụng liên kết răng với mô lợi hiệu quả. Để điều trị tụt lợi tại nhà, bạn hãy đun nước lá trà xanh tươi để súc miệng hằng ngày. Kiên trì áp dụng sau một khoảng thời gian thì sẽ thấy hiệu quả rõ rệt.
4.3. Dùng nha đam
Không chỉ nổi tiếng với công dụng làm đẹp da, nha đam còn có thể cải thiện tình trạng sưng nướu, tụt lợi hiệu quả. Bạn chỉ cần lấy một lượng nha đam vừa đủ đắp lên phần lợi bị tổn thương, giữ nguyên trong khoảng 3-5 phút rồi súc miệng sạch lại với nước. Hoặc cách khác là bôi trực tiếp nha đam lên bàn chải để đánh răng hằng ngày.
4.5. Dùng thuốc bôi
Sử dụng thuốc bôi chứa flour là một trong những biện pháp giảm ê buốt khi bị tụt lợi phổ biến nhất hiện nay. Bạn có thể dễ dàng tìm mua các loại thuốc này nhưng đây chỉ là biện pháp kịp thời chứ không thể điều trị tận gốc nguyên nhân gây tụt nướu.
5. Điều trị tụt nướu răng tại nha khoa
Để khắc phục triệt để tụt nướu răng, bạn cần đến nha khoa để được thăm khám tìm ra nguyên nhân cụ thể dẫn đến tụt nướu rồi thực hiện các biện pháp thích hợp tùy theo tình trạng:
5.1. Điều trị tụt nướu nhẹ
Khi tụt nướu chỉ xảy ra ở một hoặc một vài răng, chân răng hở ra không quá nhiều và lợi vẫn còn khoẻ mạnh để bám chắc vào chân răng thì người bệnh chỉ cần thực hiện điều trị đơn giản. Một số biện pháp có thể kể đến như cạo vôi răng, dùng gel ngậm hoặc thuốc trị viêm lợi. Bên cạnh đó, người bệnh cần thực hiện vệ sinh răng miệng đúng cách theo hướng dẫn của bác sĩ để khắc phục nhanh chóng tụt nướu răng.
5.2. Điều trị tụt nướu nặng
Khi tụt nướu chuyển biến nặng, xảy ra ở nhiều răng, chân răng bị lộ nhiều và phần lợi bị viêm đỏ nặng, ngoài loại bỏ cao răng thì cách tốt nhất là điều trị phẫu thuật với một trong ba phương pháp sau:
– Phẫu thuật dùng vạt tại chỗ có chân nuôi để khắc phục tình trạng tụt nướu, các phương pháp nhỏ hơn là vạt nhú lợi kép, vạt bán nguyệt, vạt trượt bên, vạt xoay chếch, vạt trượt về phía cổ răng,…
– Phẫu thuật dùng mô ghép rời tự thân, sử dụng mô ở 1 phần trong miệng để bù vào phần nướu bị tụt, chia thành các phương pháp nhỏ hơn: ghép mô liên kết dưới biểu mô, ghép lợi tự do tự thân,…
– Phẫu thuật dùng màng nhân tạo kết hợp vạt tại chỗ: tái sinh mô, dùng biểu mô đồng loẹt không tế bào,..
6. Chăm sóc răng miệng phòng tránh tụt nướu răng
Để phòng tránh tình trạng tụt lợi, bạn nên lưu ý một số điều sau đây:
– Chú ý chải răng ít nhất 2 lần mỗi ngày để bề mặt răng được làm sạch, đặc biệt là sau mỗi bữa ăn.
– Nên sử dụng bàn chải lông mềm với lực chải vừa phải để tránh nướu răng bị tổn thương.
– Chú ý thay bàn chải định kỳ 3-4 tháng một lần để ngăn chặn vi khuẩn phát triển.
– Kết hợp sử dụng chỉ nha khoa để loại bỏ vụn thức ăn có trong các kẽ răng.
– Duy trì chế độ ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết hỗ trợ tăng đề kháng giúp cơ thể chống lại các loại vi khuẩn gây hại.
– Thăm khám nha khoa định kỳ ít nhất 6 tháng một lần như khuyến nghị của các chuyên gia để đảm bảo sức khỏe răng miệng được kiểm tra thường xuyên.
Vậy bạn có thể khắc phục tạm thời tình trạng nướu răng bị tụt với các cách trị tụt nướu răng tại nhà với các nguyên liệu khá đơn giản. Tuy nhiên, để điều trị tận gốc nguyên nhân gây tụt nướu răng thì bạn cần đến nha khoa để được thăm khám và thực hiện các phương án điều trị thích hợp.