Sâu răng là tình trạng trên bề mặt răng xuất hiện những lỗ hổng, những chấm đen li ti làm mất thẩm mỹ cũng như gây ra những cơn đau nhức kéo dài khiến bạn thường xuyên cảm thấy khó chịu. Nguyên nhân gây sâu răng được cho là sự tấn công của các loại vi khuẩn được hình thành bên trong các mảng bám cao răng. Bên cạnh đó thì cũng có nhiều yếu tố khác khiến răng bị sâu, hãy cùng Nha khoa Quốc tế BIK tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây nhé!
1. Sâu răng có nguy hiểm không?
Sâu răng là tình trạng răng bị tấn công bởi vi khuẩn phá huỷ khoáng làm phần mô cứng của răng bị mất đi. Theo thời gian, các vi khuẩn sẽ tấn công và tạo các lỗ nhỏ li ti trên răng rồi sau đó dần lan rộng ra. Đối tượng mắc bệnh sâu răng bao gồm tất cả mọi người, từ trẻ em đến người lớn tuổi.
Dù ở bất kỳ độ tuổi nào, sâu răng nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm như sau:
– Việc ăn uống, sinh hoạt hằng ngày gặp nhiều khó khăn vì răng bị ê buốt, đau nhức thường xuyên.
– Nếu răng cửa bị sâu thì sẽ làm ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ tổng thể của khuôn mặt.
– Sâu răng gây hôi miệng khiến nhiều người đánh mất đi sự tự tin khi nói chuyện với người đối diện.
– Răng sâu nặng tiềm ẩn nguy cơ vỡ răng, mẻ răng và mất răng hoàn toàn.
– Vi khuẩn sâu răng tấn công sang các răng bên cạnh nếu không được xử lý kịp thời.
2. Dấu hiệu răng sâu
Dù sâu răng là bệnh lý răng miệng khá phổ biến nhưng nhiều người thường không nhận ra những dấu hiệu của bệnh này trong giai đoạn đầu. Bạn có thể tham khảo một số dấu hiệu răng sâu sau đây:
– Răng bắt đầu bị đau nhức liên tục hoặc có thể là từng cơn khi không có bất kỳ tác động nào.
– Răng trở nên nhạy cảm hơn khi ăn uống, đặc biệt đối với thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh.
– Quan sát bằng mắt thường sẽ thấy bề mặt răng xuất hiện lỗ hổng.
– Nhận thấy những đốm màu đen hoặc nâu rõ rệt. Một vài trường hợp nặng thì hơi thở bắt đầu có mùi hôi.
3. Nguyên nhân gây sâu răng là gì?
Trên thực tế, nguyên nhân của sâu răng là sự tấn công của vi khuẩn có hại khiến mình bị tổn thương, tuy nhiên bạn cũng có thể tham khảo các yếu tố làm tăng nguy cơ sâu răng sau đây:
– Sâu răng thường xảy ra ở các răng hàm nơi có rất nhiều rãnh nhỏ khiến thức ăn dễ dàng bị mắc lại nhưng bàn chải thường rất khó để làm sạch ở vị trí này.
– Thường xuyên sử dụng các loại thực phẩm như sữa, kem, mật ong, đường, nước có ga, bánh quy, khoai tây chiên,… cũng là nguyên nhân dẫn đến sâu răng vì các loại thực phẩm này rất dễ bám lại trên bề mặt răng do không bị nước bọt cuốn trôi.
– Khi dùng uống đồ uống có đường thì sẽ tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn trong khoang miệng sản sinh ra axit tấn công làm mòn men răng.
– Đánh răng không đầy đủ, đúng cách để loại bỏ mảng bám trên bề mặt răng.
– Không bổ sung đủ Fluoride hỗ trợ ngăn ngừa sâu răng.
– Người già có nguy cơ bị sâu răng cao hơn vì sức đề kháng yếu hơn nhưng trẻ em thường bị sâu răng nhiều hơn do ăn nhiều kẹo, bánh ngọt.
– Không uống nước thường xuyên dẫn đến khô miệng, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển tấn công gây sâu răng.
– Chứng ợ nóng hoặc trào ngược dạ dày thực quản (GERD) có thể khiến axit dạ dày chảy ngược lên miệng, làm mòn men răng và gây tổn thương răng đáng kể. Điều này làm ngà răng bị lộ ra và dễ dàng bị tấn công bởi vi khuẩn gây sâu răng.
4. Các giai đoạn phát triển của sâu răng
Sâu răng sẽ phát triển theo các giai đoạn sau:
4.1. Tạo mảng bám
Trước tiên, mảng bám sẽ hình thành từ thức ăn có chứa hàm lượng đường, tinh bột nhiều nhưng răng không được làm sạch thường sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển trong khoang miệng. Theo thời gian, các mảng bám sẽ bị vôi hoá thành cao răng. Lớp vôi răng này không chỉ cứng, khó đánh tan mà còn là môi trường thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi và phát triển.
4.2. Men răng bị tổn thương
Mảng bám trên răng có chứa axit nên chúng có thể phá huỷ khoáng chất có trong men răng, khi lớp men răng này bị tổn thương thì sẽ gây nên những lỗ hổng trên men răng. Xét theo giai đoạn thì đây là diễn biến đầu tiên của quá trình sâu răng. Nếu không được kịp thời thì vi khuẩn sẽ tấn công ngà răng, gây ra những cơn đau đầu tiên cho người bệnh.
4.3. Vi khuẩn tấn công đến tủy
Tình trạng bệnh sẽ phát triển nặng hơn khi vi khuẩn bắt đầu tấn công ngày một sâu hơn và có thể chạm đến tủy răng – nơi tập trung nhiều mạch máu và dây thần kinh. Điều này khiến tuỷ răng bị sưng lên và gây đau nhức dai dẳng, một số trường hợp dây thần kinh cũng có thể bị chèn ép.
5. Cách chữa sâu răng
Dựa vào từng giai đoạn của răng sâu mà bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các biện pháp điều trị phù hợp nhằm mang đến kết quả tốt nhất:
5.1. Trám răng sâu
Trám răng sâu được chỉ định khi vi khuẩn chỉ mới tấn công vào men răng và chưa gây ra quá nhiều tổn thương, các vết sâu chỉ có kích thước nhỏ bằng hạt đậu. Bác sĩ sẽ tiến hành điều trị răng sâu rồi lấp đầy khoảng trống trên bề mặt răng bằng các vật liệu chuyên dụng.
Các vật liệu này đã được kiểm định an toàn, lành tình với cơ thể con người và được sử dụng rộng rãi trong nha khoa. Trong số đó, Composite có lẽ là vật liệu được lựa chọn nhiều nhất vì có thể mang đến tính thẩm mỹ cao, đồng thời khôi phục được hiệu quả khả năng ăn nhai.
5.2. Bọc răng sứ
Khi vi khuẩn đã tấn công sâu vào trong khiến tuỷ răng bị ảnh hưởng thì bạn sẽ phải tiến hành điều trị tủy răng rồi bọc răng sứ bên ngoài. Toàn bộ phần tuỷ bị viêm nhiễm sẽ được lấy ra ngoài và khoảng trống của chúng sẽ được lấp đầy bằng vật liệu chuyên dụng. Sau đó, bác sĩ sẽ mài cùi răng nhằm tạo khoảng trống gắn răng sứ lên trên.
Mão răng sứ không chỉ có tác dụng giúp khôi phục tính thẩm mỹ, khả năng ăn nhai mà còn như một lớp bảo vệ răng thật bên trong khỏi bị vi khuẩn sâu răng tấn công một lần nữa.
5.3. Nhổ răng sâu
Nguyên tắc khi điều trị các bệnh lý răng miệng chính là bảo tồn tối đa răng thật nhưng nếu trường hợp cả ngà răng và tuỷ răng của bạn đã bị phá huỷ hoàn toàn bởi vi khuẩn sâu răng thì bác sĩ buộc phải chỉ định nhổ bỏ răng sâu. Trường hợp này nếu giữ lại răng thì cũng không có tác dụng gì vì răng không thể tồn tại được bình thường mà còn làm tăng nguy cơ khiến các răng khác bị lây nhiễm.
Sau khi nhổ răng sâu, bệnh nhân có thể thực hiện trồng răng Implant để khôi phục tính thẩm mỹ, khả năng ăn nhai cũng như phòng tránh được các biến chứng nguy hiểm khác do mất răng gây ra.
6. Biện pháp phòng ngừa răng sâu hiệu quả
Để phòng tránh sâu răng hiệu quả, bạn có thể tham khảo các cách dưới đây:
– Đánh răng ít nhất hai lần trong ngày vào buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng sau khi thức dậy. Sử dụng kem đánh răng có chứa Fluoride để hỗ trợ răng được chắc khỏe.
– Sử dụng bàn chải đánh răng có đầu nhỏ để vệ sinh sạch các vị trí răng hàm bên trong.
– Kết hợp sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch sâu các kẽ răng, hạn chế dùng tăm vì thông thường đầu tăm to nên rất dễ gây chảy máu chân răng.
– Sau những bữa ăn nhẹ, nên sử dụng nước súc miệng có chứa Fluoride để làm sạch khoang miệng nhanh chóng.
– Thăm khám và lấy vôi răng theo định kỳ ít nhất 6 tháng một lần. Việc khám răng đúng định kỳ sẽ giúp bạn dễ dàng phát hiện những bệnh lý về răng miệng sớm và điều trị kịp thời.
– Hạn chế ăn vặt, nhất là những thức ăn ngọt, chứa nhiều đường như bánh, kẹo hoặc các loại nước uống có gas vì chúng sẽ kích thích vi khuẩn tấn công men răng.
– Nên ăn những thực phẩm tốt cho răng, hạn chế sử dụng những thức ăn quá cứng hoặc dễ bám dính trong kẽ răng.
– Sử dụng kẹo cao su xylitol kết hợp với Fluoride để giảm thiểu nguy cơ sâu răng.
Vậy có nhiều nguyên nhân dẫn đến sâu răng và nếu không được điều trị kịp thời thì bạn có thể đối mặt với biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh lý này đó là mất răng. Do đó, ngay khi phát hiện ra những dấu hiệu của sâu răng dù là nhỏ nhất thì bạn cũng nên cảnh giác và đến ngay cơ sở nha khoa uy tín để được thăm khám và thực hiện các biện pháp điều trị cần thiết.