Viêm quanh răng là một dạng bệnh lý răng miệng xuất hiện khá phổ biến và nguyên nhân chủ yếu là do sự tích tụ và tấn công của vi khuẩn bên trong cao răng. Bộ phận nha chu xung quanh răng có tác dụng nâng đỡ cho răng lúc này bị tổn thương nghiêm trọng nhưng bệnh này hoàn toàn có thể được điều trị triệt để qua các biện pháp thích hợp.
1. Viêm quanh răng là như thế nào?
Viêm quanh răng là tình trạng các tổ chức nha chu bao quanh giúp răng đứng vững trên cung hàm bị viêm nhiễm. Tổ chức này bao gồm nướu răng, dây chằng quanh răng, xương ổ răng và xi măng chân răng. Viêm quanh răng tiến triển theo giai đoạn và nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ tổng thể.
Bệnh viêm quanh răng có thể được nhận biết qua các biểu hiện như sau:
– Phần lợi từ màu hồng nhạt chuyển sang đỏ sẫm hoặc đỏ tươi kèm biểu hiện sưng tấy.
– Thường xuyên bị chảy máu lợi dù không gặp phải bất kỳ kích thích gì.
– Có khoảng trống hoặc túi mủ xuất hiện giữa nướu và răng.
– Hình thành áp xe răng.
– Lợi bị tổn thương không giữ được răng nên răng trở nên lung lay.
– Răng trở nên nhạy cảm hơn khi ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh.
– Hơi thở có mùi khó chịu.
2. Nguyên nhân dẫn đến viêm quanh răng
Viêm quanh răng có thể là do các nguyên nhân sau đây:
2.1. Vệ sinh răng miệng không đúng cách
Yếu tố chính dẫn đến viêm quanh răng chính là vi khuẩn tồn tại trong mảng bám cao răng và nguyên nhân của tình trạng này chính là việc bệnh nhân thực hiện vệ sinh răng miệng không đúng cách trong thời gian dài khiến mảng bám thức ăn tồn đọng trong miệng bị vôi hoá tạo thành cao răng. Cao răng thường xuất hiện ở vị trí giữa chân răng và nướu răng tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn tấn công dẫn đến viêm quanh răng.
2.2. Nước bọt bị giảm tiết
Nước bọt là yếu tố giúp bảo vệ nướu và răng khỏi sự tấn công của vi khuẩn gây hại nhưng nếu bệnh nhân sử dụng một số loại thuốc điều trị như thuốc chống trầm cảm, lợi niệu, histamin,.. Thì sẽ làm giảm tiết nước bọt và từ đó tăng nguy cơ bị viêm quanh răng.
2.3. Bệnh tiểu đường
Nghiên cứu cho rằng phần lớn người mắc bệnh tiểu đường dễ bị mắc các bệnh về nướu, đường huyết không được kiểm soát sẽ làm cho nguy cơ viêm nướu răng tăng cao. Nguyên nhân là đường huyết cao làm tăng áp lực lên mạch máu, đồng thời làm giảm khả năng vận chuyển chất dinh dưỡng đến mô nướu, khiến nướu dễ bị yếu đi và nhiễm khuẩn.
3. Điều trị viêm quanh răng
Tuỳ vào từng tình trạng cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các phương án khác nhau để điều trị viêm quanh răng đảm bảo mang đến kết quả cao nhất:
3.1. Điều trị viêm quanh răng không phẫu thuật
Nếu viêm quanh răng chưa tiến triển nặng thì bác sĩ sẽ chỉ định một số biện pháp dưới đây:
– Lấy cao răng: Cạo vôi răng giúp làm sạch mảng bám trên bề mặt răng, nướu đồng thời cũng là loại bỏ đi môi trường sống của vi khuẩn gây hại.
– Bào láng gốc răng để làm mịn bề mặt chân răng để ngăn chặn sự tích tụ của cao răng và vi khuẩn.
– Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh dạng uống hoặc dạng bôi đều có thể giúp kiểm soát vi khuẩn. Thuốc kháng sinh dạng bôi sẽ đi kèm với nước súc miệng diệt khuẩn để làm sạch sâu. Tuy nhiên, để loại bỏ hoàn toàn các loại vi khuẩn gây nhiễm trùng thì cần sử dụng thuốc dạng viên uống.
– Có biện pháp cố định cho răng lung lay.
– Nếu không thể giữ được răng, bác sĩ sẽ đánh giá đối với từng trường hợp cụ thể và chỉ định nhổ răng.
3.2. Phẫu thuật điều trị viêm quanh răng
Đối với trường hợp viêm quanh răng đã tiến triển nặng, bác sĩ sẽ chỉ định các biện pháp sau đây:
– Loại bỏ túi mủ: Bác sĩ sẽ rạch một vết nhỏ ở nướu của bệnh nhân để làm giảm kích thước của túi mủ nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn để làm sạch cao răng.
– Ghép mô mềm: Nếu các mô nướu bị tụt, bị tổn thương thì cần được hỗ trợ bằng phương pháp ghép mô mềm. Bác sĩ sẽ tách lấy một phần mô nhỏ ở vòm miệng để ghép vào vị trí bị ảnh hưởng. Điều này giúp hạn chế tình trạng tụt nướu về sau đồng thời giúp che kín phần chân răng bị hở cải thiện tính thẩm mỹ.
– Ghép xương: Trường hợp phần xương quanh răng đã bị phá huỷ thì bệnh nhân cần tiến hành ghép xương. Phần xương ghép có thể là xương của bệnh nhân tại các vị trí khác hoặc là xương do người khác hiến tặng hoặc xương tổng hợp.
4. Chăm sóc răng miệng phòng tránh viêm quanh răng
Để phòng tránh viêm quanh răng, bệnh nhân nên lưu ý một số điều như sau:
4.1. Vệ sinh răng miệng
– Đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày đặc biệt là sau mỗi bữa ăn để loại bỏ mảng bám thức ăn.
– Sử dụng bàn chải lông mềm với lực chải vừa phải tránh làm nướu răng bị tổn thương.
– Dùng kem đánh răng chứa flour hỗ trợ răng chắc khỏe.
– Kết hợp sử dụng chỉ nha khoa và nước súc miệng để loại bỏ vụn thức ăn trong các kẽ răng đồng thời làm sạch toàn bộ khoang miệng.
4.2. Chế độ ăn uống hợp lý
Duy trì chế độ ăn uống hợp lý, lành mạnh, tránh ăn thực phẩm chứa nhiều đường hoặc tinh bột vì đây là các chất dễ dàng bị tồn đọng trong khoang miệng làm hình thành cao răng dày đặc gây ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng. Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng và vitamin cần thiết để gia tăng sức đề kháng chống lại vi khuẩn gây hại cho răng và nướu, ngăn chặn nguy cơ viêm quanh răng cũng như các vấn đề răng miệng khác.
4.3. Thăm khám định kỳ
Thực hiện thăm khám định kỳ tại nha khoa ít nhất 2 lần mỗi năm để được cạo vôi răng, làm sạch khoang miệng. Từ đó, bác sĩ cũng có thể phát hiện kịp thời các bệnh lý và điều trị ngay lập tức nếu có.
Vậy viêm quanh răng là bệnh lý răng miệng khá phổ biến và có thể dễ dàng nhận ra qua một số biểu hiện nhất định. Để phòng tránh bệnh này, bạn cần có chế độ chăm sóc răng miệng đúng cách và thăm khám nha khoa định kỳ để được điều trị kịp thời nếu có bất kỳ vấn đề về răng miệng nào xuất hiện, tránh những ảnh hưởng nghiêm trọng về sau.