VN

Phải Làm Sao Khi Bà Bầu Bị Viêm Lợi Trùm?

NỘI DUNG BÀI VIẾT

1. Viêm lợi trùm răng khôn là gì?
2. Dấu hiệu nhận biết viêm lợi trùm khi mang thai
3. Nguyên nhân khiến bà bầu bị viêm lợi trùm
4. Ảnh hưởng đối với bà bầu khi bị viêm lợi trùm
5. Bà bầu bị viêm lợi trùm phải làm sao?


Tại sao bà bầu bị viêm lợi trùm và phải làm sao để khắc phục dường như là vấn đề được quan tâm hàng đầu vì đây là tình trạng khá phổ biến trong quá trình mang thai. Vì đây là giai đoạn cơ thể mẹ bầu trở nên khá nhạy cảm nên các giải pháp tự nhiên luôn được khuyến khích áp dụng để tránh những biến chứng hay tác dụng phụ do sử dụng thuốc. 

1. Viêm lợi trùm răng khôn là gì?


Răng khôn thường mọc trong độ tuổi từ 17-25 khi nướu lợi đã phát triển dày, cứng chắc và không còn đủ khoảng trống. Điều này khiến răng khôn hiếm khi mọc thẳng mà có xu hướng mọc nghiêng, mọc ngầm và đẩy nướu lên cao tạo thành hiện tượng lợi trùm một phần của chiếc răng. Từ đó, viêm lợi trùm răng khôn là tình trạng phần nướu che phủ răng khôn bị sưng viêm gây đau đớn kéo dài. 

2. Dấu hiệu nhận biết viêm lợi trùm khi mang thai


Tình trạng viêm lợi trùm ở bà bầu có thể được nhận thấy qua các dấu hiệu sau:

2.1. Đau răng số 7

Do răng khôn mọc lệch và vi khuẩn không chỉ tấn công ở vị trí mọc răng mà các răng và nướu xung quanh cũng bị ảnh hưởng. Do đó, khi lợi bị viêm sẽ khiến răng số 7 (bên cạnh răng khôn) bị đau nhức âm ỉ kéo dài, khiến phụ nữ đang mang thai cảm thấy khó chịu, mất ngủ, từ đó làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của cả mẹ và bé. 

2.2. Hơi thở có mùi

Lợi bị viêm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển, trong đó có nhiều loại kỵ khí, kỵ nước là nguyên nhân chính tạo ra mùi hôi trong khoang miệng của bà bầu. Kết hợp với việc khi mang thai, nôn nghén dễ khiến hơi thở có mùi khá nặng.

2.3. Sưng nướu răng trong cùng


Khi bị viêm lợi trùm răng khôn, phần nướu trong cùng thường bị sưng lên, mềm hơn và gây cảm giác cộm cấn. Lúc này, bà bầu sẽ cảm thấy rất khó chịu và gặp khó khăn trong ăn uống, giao tiếp hằng ngày.

2.4. Sốt và sưng hạch ở cổ

Tình trạng viêm nhiễm và những cơn đau kéo dài rất dễ khiến bà bầu bị sốt cao. Lúc này, còn có thể xuất hiện hạch ở cổ và toàn thân nhức mỏi, rất dễ dẫn đến stress.

3. Nguyên nhân khiến bà bầu bị viêm lợi trùm

Viêm lợi trùm ở phụ nữ đang mang thai thường do những nguyên nhân sau:

3.1. Do mọc răng khôn

Do răng khôn thường mọc khi xương hàm đã phát triển tương đối hoàn thiện và hầu như không còn khoảng trống dành cho chiếc răng mới nên chúng sẽ mọc đâm xuyên sang răng số 7 hoặc mọc ngầm dưới nướu. Phần nướu bị xuyên qua bao trùm lên răng khôn nhưng lại không khít hoàn toàn nên vụn thức ăn rất dễ bị mắc vào, lâu ngày sẽ dẫn tới tình trạng viêm nhiễm.

3.2. Do ốm nghén

Thông thường tình trạng ốm nghén và nôn ói xảy ra khi mang thai là rất phổ biến. Điều này làm cho thức ăn hòa lẫn với axit cũng như dịch vị tiêu hóa trào ra ngoài gây kích ứng đến lợi.

3.3. Do sự thay đổi hormone

Trong khi có em bé, lượng estrogen và progesterone trong cơ thể mẹ bầu tăng bất thường làm cho nướu răng dễ bị kích thích hơn. Do đó, trong giai đoạn nhạy cảm này, sự thay đổi hormone được cho là một trong những nguyên nhân chính gây tình trạng viêm lợi trùm dù răng khôn không mọc lệch.

3.4. Do thói quen ăn uống

Trong thời gian mang thai, mẹ bầu phải bổ sung nhiều loại thức ăn nhằm cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cả mẹ và bé. Chất dinh dưỡng bị thiếu hụt cũng là nguyên nhân gây viêm lợi trùm ở bà bầu. Ngoài làm tăng nguy cơ viêm lợi, không bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất cần thiết như Vitamin C hay Canxi còn có thể khiến chân răng bị chảy máu và làm phát sinh hàng loạt các vấn đề răng miệng khác.

4. Ảnh hưởng đối với bà bầu khi bị viêm lợi trùm

Tình trạng viêm lợi trùm khi mang thai có thể dẫn đến những ảnh hưởng sau: 

4.1. Giảm khả năng ăn nhai

Cơn đau nhức kéo dài do viêm lợi khiến mẹ bầu ăn không được ngon miệng, từ đó dẫn tới tình trạng lười ăn, chán ăn. Khi đó chất dinh dưỡng sẽ bị thiếu hụt khiến cơ thể không đủ sức đề kháng chống lại vi khuẩn, làm tình trạng viêm nhiễm trở nặng hơn. Do đó, chế độ ăn uống của mẹ bầu trong thời điểm nhạy cảm này là yếu tố nên được quan tâm hàng đầu. 

4.2. Ảnh hưởng đến tâm lý

Khi mang thai, nội tiết tố thay đổi nên tâm tính của bà bầu khá thất thường và gặp phải tình trạng đau nhức khiến tâm lý bị ảnh hưởng rất nhiều. Nếu sự lo âu, buồn bực và khó chịu thường xuyên xuất hiện và kéo dài sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như quá trình chuyển hóa hấp thụ chất dinh dưỡng.

4.3. Ảnh hưởng đến thai nhi

Khi bị viêm lợi trùm hay nghiêm trọng hơn là viêm lợi trùm có mủ nếu không tiến hành điều trị sớm thì thai nhi sẽ bị ảnh hưởng. Những biến chứng nguy hiểm có thể kể đến như sinh non, tiền sản giật,...

4.4. Tiềm ẩn nhiều bệnh lý nguy hiểm

Trường hợp viêm lợi trùm do mọc răng khôn còn tiềm ẩn nhiều bệnh lý nguy hiểm khác do răng khôn mọc lệch như u nang, nhiễm trùng, phá hỏng các răng bên cạnh,... Những vấn đề này nếu không được xử lý triệt để cũng sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé.

 5. Bà bầu bị viêm lợi trùm phải làm sao?

Dưới đây là cách điều trị viêm nướu răng cho bà bầu. Có thể áp dụng một số cách sau để hỗ trợ thuyên giảm tình trạng viêm lợi trùm như:

5.1. Giảm đau ngay tại nhà

Vệ sinh răng miệng đúng cách 

Vệ sinh răng miệng đúng cách dường như là giải pháp đơn giản nhất giúp cải thiện tình trạng viêm lợi trùm, bên cạnh đó, khi áp dụng cách này, một số vấn đề răng miệng khác như răng nhạy cảm, ê buốt,... sẽ được hạn chế tối đa. 

Các mẹ bầu nên chú ý chải răng đều đặn ít nhất 2 lần mỗi ngày để ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn trong khoang miệng. Do nướu và răng trong khoảng thời gian mang thai khá nhạy cảm nên cần sử dụng bàn chải lông mềm có kích thước phù hợp để không gây chảy máu chân răng. 

Bên cạnh đó, có thể kết hợp sử dụng chỉ nha khoa và nước muối pha loãng để loại bỏ triệt để các mảng bám, vụn thức ăn mà bàn chải thông thường không để làm sạch.

Sử dụng gừng

Để giảm tình trạng viêm lợi, bà bầu có thể hòa tan 1 chút muối cùng nước gừng và súc miệng 2 lần mỗi ngày để giảm tình trạng viêm lợi vì nguyên liệu này từ lâu đã nổi tiếng với tính kháng khuẩn tự nhiên.

Sử dụng dầu dừa

Ngoài có đặc tính kháng khuẩn, ức chế nấm và virus mạnh, dầu dừa còn có khả năng thúc đẩy sự phát triển của lợi khuẩn và hỗ trợ cân bằng độ pH sinh lý nhờ các axit amin. Do đó, mẹ bầu có thể súc miệng cùng hỗn hợp dầu dừa hòa cùng nước ấm hằng ngày để cải thiện vấn đề viêm lợi trùm.

Sử dụng tinh dầu đinh hương

Tinh dầu đinh hương có chứa hoạt chất Eugenol có tác dụng làm dịu mô nướu bị sưng viêm và giảm đau hiệu quả. Cũng giống như dầu dừa, có thể hòa tinh dầu đinh hương cùng nước ấm dùng để súc miệng 1-2 lần/ ngày để mang lại hiệu quả điều trị viêm lợi trùm. Bên cạnh đó, mùi hương của tinh dầu này còn giúp loại bỏ đi mùi hôi, mang lại hơi thở thơm mát dài lâu.

5.2. Sử dụng thuốc

Trường hợp viêm lợi đã trở nặng và chảy máu chân răng liên tục thì bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng sinh. Chú ý không nên tự ý sử dụng thuốc khi chưa có toa của bác sĩ để tránh những tác dụng phụ không mong muốn. Tuy nhiên, nếu uống thuốc trong giai đoạn này sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của mẹ và thai nhi nên trước tiên bác sĩ thường sẽ hướng dẫn một số cách làm sạch vùng viêm với những nguyên liệu tự nhiên ngay tại nhà.

5.3. Điều trị tại nha khoa

Ở một số trường hợp viêm lợi vẫn có thể tiến triển nặng hơn sau khi áp dụng những cách trên thì bác sĩ sẽ chỉ định một số biện pháp thực hiện trực tiếp tại nha khoa. Đối với phụ nữ đang mang thai, giải pháp để điều trị viêm lợi chủ yếu là lấy cao răng và nhổ răng khôn nếu cần thiết.

Viêm lợi trùm khi mang thai là tình trạng khá phổ biến, do cơ địa mẹ bầu lúc này khá nhạy cảm nên cần nhanh chóng khắc phục kịp thời để tránh những tiến triển nặng hơn. Phải làm sao khi bà bầu bị viêm lợi trùm còn phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người, nếu tình trạng viêm nhiễm không thuyên giảm sau khi áp dụng một số biện pháp đơn giản tại nhà thì cần đến nha khoa để được điều trị chuyên nghiệp.